Tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử trên địa bàn TP Hà Nội. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được thực hiện trong 20 năm qua. Từ đó có nhiều mô hình, cách làm hay ở khắp địa bàn Thủ đô, giúp cải thiện đời sống văn […]
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được thực hiện trong 20 năm qua. Từ đó có nhiều mô hình, cách làm hay ở khắp địa bàn Thủ đô, giúp cải thiện đời sống văn hóa cơ sở, loại bỏ những hủ tục, kiến tạo lối sống văn minh. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp báo Hà Nội Mới vừa tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” nhằm phổ biến những kinh nghiệm hay, đề xuất các giải pháp trong xây dựng văn hóa cơ sở.
Những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được TP Hà Nội triển khai lồng ghép với thực hiện các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”. Phong trào được triển khai đồng bộ, với nhiều cách làm bài bản, sáng tạo. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; đời sống văn hóa tinh thần người dân được cải thiện, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm…
Thực hiện các nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, để nâng cao ý thức của cộng đồng, thành phố đã triển khai xây dựng hương ước, quy ước ở các địa phương. Hà Nội hiện có hàng nghìn hương ước, quy ước được duy trì thực hiện tại các làng, thôn, tổ dân phố. Trong đó, nhiều văn bản quy định quy tắc ứng xử được cộng đồng đánh giá cao, góp phần tích cực trong bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh. Năm 2018, UBND thành phố ban hành Công văn số 2175/UBND-NC rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố. Huyện Thanh Oai là địa bàn chưa phát triển về kinh tế, nhưng có nhiều thành tựu trong xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, có sự đóng góp của những hương ước, quy ước. Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Trần Văn Lợi cho biết: “Phòng đã tích cực phối hợp MTTQ và các ngành để xây dựng các quy ước, hương ước ở thôn, làng, tham mưu các thôn, tổ dân phố thực hiện đồng loạt việc cập nhật thêm quy tắc ứng xử vào quy ước, hương ước, đồng thời, có những văn bản hướng dẫn để người dân thực hiện bài bản, khoa học”.
Một trong những nội dung quan trọng của xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là đẩy lùi những hủ tục, xây dựng nếp sống mới. Huyện Ðông Anh là địa bàn đã triển khai tốt thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trong đó, việc tang văn minh đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của người dân. Ðến nay, 93,5% số hộ gia đình thực hiện hỏa táng thay bằng địa táng khi người thân mất. Một số xã thực hiện vòng hoa luân viếng. Việc ăn uống khi “có đám” đã chấm dứt hoàn toàn. Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Ðể có được kết quả đó, trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức 2.000 buổi tọa đàm, giúp người dân hiểu hơn ý nghĩa của việc thực hiện đám tang văn minh. Các địa phương còn xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền tại các làng, tổ dân phố; chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt trong cơ sở, bổ sung nội dung này vào quy ước, hương ước của làng; thực hiện hỗ trợ hỏa táng…
Huyện Ðan Phượng đang có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Kết quả này là do các cơ quan chức năng thực hiện tuyên truyền làm rõ ý nghĩa giá trị văn hóa truyền thống, làm cho người dân thấy rõ, dù quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng giá trị văn hóa truyền thống vẫn mãi cần thiết với cộng đồng. Ðối với thực hiện quy tắc ứng xử, huyện chú trọng đôn đốc cán bộ công chức, người lao động gương mẫu thực hiện không chỉ tại cơ quan, công sở mà còn tại nơi công cộng. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ để người dân noi theo. Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bùi Thị Mai Phương chia sẻ: Huyện đã triển khai nhiều hoạt động để tạo chuyển biến mạnh mẽ, huy động nhân dân tham gia xây dựng, sáng tạo các giá trị văn hóa và hưởng thụ giá trị văn hóa. Người dân cũng đã có ý thức tham gia bảo vệ phát huy các thiết chế và giá trị văn hóa.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục triển khai các cuộc tọa đàm trực tiếp và trực tuyến tại các thôn, tổ dân phố về việc thực hiện quy tắc ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các tiêu chí cụ thể về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục quan tâm, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng công viên cây xanh, tuyến đường “nở hoa”, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa…
GIANG NAM
Theo Nhandan.com.vn