Chưa được phân loại

Nhân rộng mô hình thôn, tổ dân phố văn hóa

Nhiều mô hình trong xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa như bảo đảm an toàn, an ninh; xóa chân rác, tạo môi trường xanh; biến các tuyến đường thành đường hoa… đang trở thành phong trào đẹp, góp phần củng cố tình đoàn kết, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. […]

Nhiều mô hình trong xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa như bảo đảm an toàn, an ninh; xóa chân rác, tạo môi trường xanh; biến các tuyến đường thành đường hoa… đang trở thành phong trào đẹp, góp phần củng cố tình đoàn kết, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đáng mừng hơn, nhiều cán bộ, người dân đã tích cực, tình nguyện tham gia thực hiện, góp phần nhân rộng các mô hình, chung tay xây dựng môi trường sống nền nếp, văn minh.

Người dân đọc sách, báo tại “cầu thang văn hóa” khu tập thể A3, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Những điểm nhấn ở các tổ dân phố

Những góc nhỏ mà người dân quen gọi là “cầu thang văn hóa” tại các tòa nhà tập thể A2, A3, A5… phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) từ lâu là một điểm đến thân thiện. Đáng nói, những góc nhỏ này đã xóa đi tình trạng trộm cắp vặt, tệ nạn xã hội hay quảng cáo, rao vặt trái phép. Có được điều này là do các gia đình đã luân phiên nhau vệ sinh cầu thang sạch sẽ; nhắc nhở nhau không gây tiếng ồn, không kinh doanh… Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Lâm Văn Thảo cho biết, đến nay, phường có hơn 100 điểm “cầu thang văn hóa”. Đây là điểm nhấn góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư.

Cũng là địa bàn có nhiều khu tập thể, phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) lại có một thế mạnh khác, đó là hệ thống phòng cháy, chữa cháy được quản lý bài bản. Quan sát tại khu tập thể 48 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, ở mỗi tầng đều được lắp đặt nội quy, tiêu lệnh và bình cứu hỏa cá nhân. Người dân ở đây đều được tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Tại mỗi khu, phường thành lập một đội tự quản về phòng cháy, chữa cháy, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Ở quận Hoàn Kiếm, bà Đinh Thị Hải, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 2, phường Hàng Bài cho biết, trước năm 2019, một “bãi rác” lưu cữu ngay trước khu tập thể 23 Bà Triệu thuộc tổ dân phố số 2 khiến người dân nơi đây rất khổ sở. Trước tình trạng này, 70 hộ dân trong khu đã thực hiện mô hình xóa chân rác, tạo vườn hoa, biến nơi đây thành không gian xanh mát.

Những ai đã một lần đến tổ dân phố Đuống 2, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) hẳn sẽ khó quên “con đường nở hoa” ở bờ đê sông Đuống. Tuyến đường có chiều dài 100m được trồng nhiều cây xanh, hoa hồng, hoa giấy… rực rỡ. Để có được những hình ảnh đẹp này, bà Nguyễn Thị Nghị, Tổ trưởng tổ dân phố Đuống 2 đã kêu gọi người dân tham gia cải tạo, dọn dẹp cỏ dại mọc hai bên đường, mua đất màu trồng cây xanh, trồng hoa.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 6.479 thôn, tổ dân phố, trong đó năm 2020 dự kiến có 5.168 thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn mô hình thôn, tổ dân phố văn hóa. Những mô hình mới trong xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa này đã và đang góp phần làm cho đời sống ở khu dân cư nền nếp, văn minh hơn.

Người dân tổ dân phố Đuống 2, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) cải tạo, dọn dẹp cỏ dại để trồng cây xanh, trồng hoa tại khu vực công cộng trên địa bàn.

Lan tỏa, nhân rộng những mô hình 

Chia sẻ về những mô hình mới trong xây dựng tổ dân phố văn hóa, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, mỗi mô hình đều mang lại hiệu quả rõ nét. Điển hình như mô hình tự quản phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư trên địa bàn phường cho thấy mỗi người dân có thể trở thành một chiến sĩ cứu hỏa. Còn theo Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) Nguyễn Xuân Cương, “con đường nở hoa” ở khu vực đê sông Đuống là mô hình hiệu quả, là nét đẹp văn hóa địa phương. UBND thị trấn đang vận động, tuyên truyền nhân rộng mô hình tại 5 tổ dân phố trên địa bàn.

Đánh giá về các mô hình này, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, 8/8 phường của quận đã triển khai xây dựng tổ dân phố văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực.

Nếp sống văn minh đô thị ngày càng được nâng cao, an ninh, trật tự được giữ vững. Trong thời gian tới, các phường sẽ tiếp tục nhân rộng, nâng cao chất lượng mô hình đã có, thực hiện tốt phong trào tổ dân phố văn hóa.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và văn hóa gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam cho hay, để tiếp tục nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình mới trong xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa một cách hiệu quả, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền, đồng thời chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở.

Qua công tác này, cơ quan chức năng sẽ phát hiện, biểu dương khen thưởng và phổ biến những mô hình mới, cách làm hay trong cộng đồng. Đồng thời sớm phát hiện các yếu tố không lành mạnh xâm nhập vào hoạt động văn hóa ở cơ sở, từ đó ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội nêu rõ, việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, việc xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất. Với hiệu quả đã được khẳng định, mong rằng những mô hình mới trong xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn Thủ đô.

Theo Báo Hànộimới

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/981118/nhan-rong-mo-hinh-thon-to-dan-pho-van-hoa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *