Rất nhiều người tâm huyết với Hà Nội, yêu Hà Nội lại khát khao, mong muốn truyền thống hào hoa, lịch thiệp của người Hà Nội luôn được phát huy. Để người Hà Nội khi ra đường không gặp cảnh vứt rác bừa bãi, nhổ nước bọt, đi tiểu vào gốc cây, va quệt xe thì xin lỗi nhau chứ không lăng mạ, thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau… Mong muốn là vậy, nhưng để nét hào hoa, thanh lịch trở thành cốt cách người Hà Nội lại không phải điều dễ dàng gì.
Nhiều người đúc kết rằng, chỉ cần một ngày có thể biến một người nghèo trở thành giàu có, nhưng khó trở thành một người có lối sống văn hóa, vì đó là chuyện một đời, một thế hệ, nhiều thế hệ. Người Hà Nội vốn nổi tiếng là thanh lịch, hào hoa. Tuy nhiên, gần đây, khi Hà Nội ngày một phát triển rộng lớn hơn, đông đúc hơn thì cuộc sống cũng trở nên xô bồ hơn. Không ít người nghĩ rằng, sự thanh lịch thật hiếm hoi, hay nói cách khác, bóng dáng người Hà Nội thanh lịch thực sự chỉ còn trong hoài niệm, mặc dù việc tuyên truyền, quảng bá về truyền thống Hà Nội văn minh, thanh lịch vẫn luôn được thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, quan ngại là sức lan tỏa của nếp sống thanh lịch chưa đủ để trở thành một hành trang cho mỗi người, khi trên đường phố vẫn có quá nhiều hiện tượng cho thấy sự kém thanh lịch như vứt rác ra đường, vượt đèn đỏ, chen lấn xô đẩy, nói năng không ôn hòa, thậm chí văng tục, chửi bậy. Hầu như ở bất kỳ đâu, trên vỉa hè, trong công viên, trên đường phố hay trong cả các quán ăn sang trọng người ta vẫn vứt rác một cách rất vô tư. Trước kia, khi đi chùa, đi chơi những nơi tôn nghiêm, phụ nữ Hà Nội bao giờ cũng mặc áo dài, gọn gàng, sạch sẽ. Thói quen đó giờ đây rất ít người giữ được, thậm chí nhiều người còn "thất kinh" khi phụ nữ bây giờ đến lễ chùa mặc cả quần soóc, váy ngắn, thậm chí cả quần áo ngủ.
Nét thanh lịch của thiếu nữ Hà Nội
Người Hà Nội thanh lịch đã có truyền thống ngàn năm, nói mất đi hoặc phai nhòa cũng chưa hẳn đúng. Chỉ có điều bị phủ lấp bởi những thứ ồn ào của cuộc sống hiện đại. Cho nên giáo dục, giữ gìn lối sống thanh lịch dường như phải là công việc thường xuyên của mọi nhà, mọi thời. Mọi nhà, mọi ngành cần rèn luyện, phấn đấu, đúc kết ra những kinh nghiệm quý báu về nếp sống văn hóa và tiêu chí con người văn minh, thanh lịch trong thời kỳ đổi mới để nhân rộng ra, tạo thành cốt cách bền vững cho người Hà Nội. Ứng xử văn minh, thanh lịch của mỗi người phải thể hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người cho rằng, thế hệ trẻ bây giờ không được thừa hưởng và tiếp nối vẻ thanh lịch vốn có của người Hà Nội. Khi ngành giáo dục đưa chương trình "Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch" vào học đường, nhiều người kỳ vọng rằng, việc làm này sẽ giúp thế hệ trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về lối sống của người thanh lịch. Nói như những người tâm huyết với văn hóa Hà Nội, giáo dục phong cách người Hà Nội cho thế hệ trẻ không nên đặt ra những tiêu chuẩn quá cao, phải bắt đầu bằng việc nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp, lễ phép với người lớn tuổi, tôn trọng người già, giúp đỡ mọi người. Sau nữa là giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không đổ rác, phế thải ra đường, ăn mặc gọn gàng.
Giáo dục lối sống ngay từ trong học đường
Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH trong những năm qua thực sự là cái gốc vững chãi cho việc xây dựng văn hóa người Hà Nội. Nhưng bổn phận không chỉ của riêng ngành văn hóa mà nằm trong tay tất cả các ngành, đoàn thể của Hà Nội và đặc biệt là ở mỗi người dân. Thay đổi cách sống, ý thức của con người là một việc không đơn giản, không thể ngày một ngày hai, nhưng để bảo tồn, phát huy và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, chúng ta cần phải có biện pháp kiên trì và có tính thuyết phục về ý thức, cách ứng xử, hành vi có văn hóa ngay từ trong các nhà trường, các tổ dân phố, khu dân cư, nơi công cộng.
Công Thành