Không chỉ có 3 cô gái, có tới 4 người đàn ông xuất hiện với “thân phận” khác nhau. Đặc biệt nhất là “Nó” – nhân vật gây nên nỗi sợ hãi lớn dần trong mỗi cô gái, cũng là nhân vật “gây lú” khiến khán giả thắc mắc nhiều nhất, liệu nó sẽ như trong nguyên tác của cố nhà văn Xuân Thiều hay sẽ là một con quái vật thực sự của phiên bản điện ảnh?
Là phim Việt đầu tiên và duy nhất ra rạp ngay sau giãn cách xã hội (khởi chiếu ngày 22/5/2020), “Truyền thuyết về Quán Tiên” đã “xuất chiêu” với trailer cuốn hút từ hình ảnh cho tới âm thanh, nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. “Thừa thắng xông lên”, NSX tiếp tục tung ra bộ poster nhân vật với những tiết lộ mới về tính cách cũng như số phận của họ, phần nào giải đáp thắc mắc mà khán giả đang tò mò.
Lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam năm 1967, ba cô cái Mùi, Phượng, Tuyết Lan được thả vào rừng sâu để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, biến một cái hang khổng lồ thành một “quán Tiên”. Giữa khung cảnh đẹp như tranh của núi rừng, “Nó” xuất hiện gây nên nỗi ám ảnh cho các cô gái giống như câu chuyện được nghe kể: “Đàn bà đi vào rừng một mình, bị khỉ vượn bắt được là nó hiếp đấy!”.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi con “quái vật” trong thực tế cũng chưa nguy hiểm bằng những thứ đang ẩn hiện, day dứt trong tâm trí mỗi cô gái. Họ phải làm gì mới có thể vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ? Một người đàn ông đến Quán Tiên có giải quyết được vấn đề? Con “quái vật” trong rừng sâu liệu có đáng sợ hơn con “quái vật” vô hình đang ngày càng gặm nhấm họ?
Bộ poster nhân vật “Truyền thuyết về Quán Tiên” với từng tâm trạng, biểu cảm trên gương mặt thể hiện cá tính đặc trưng của mỗi người. Không chỉ có 3 cô gái, có tới 4 người đàn ông xuất hiện với “thân phận” khác nhau. Đặc biệt nhất là “Nó” – nhân vật gây nên nỗi sợ hãi lớn dần trong mỗi cô gái, cũng là nhân vật “gây lú” khiến khán giả thắc mắc nhiều nhất, liệu nó sẽ như trong nguyên tác của cố nhà văn Xuân Thiều hay sẽ là một con quái vật thực sự của phiên bản điện ảnh?
Giới thiệu về từng nhân vật:
Mùi (Thuý Hằng): Người đầu tiên được chọn gửi đến hang Quán Tiên, cũng là chị cả của nhóm. Mùi đã cưới chồng và là cô gái duy nhất đã từng “nếm mùi đàn ông”, trong lòng trào dâng nhiều khao khát nhưng Mùi cũng rất giỏi kìm nén cảm xúc để “làm gương” cho hai cô em và hoàn thành tốt vai trò “chị đại”. Dù rất tháo vát và can đảm nhưng Mùi cũng sợ hãi tột độ khi nhận ra mình chính là đối tượng duy nhất đã bị con “quái vật rừng sâu” để mắt tới.
Phượng (Hồ Minh Khuê): Cô em út ngoan ngoãn, vui tính, chỉ tội còn vô tâm và “có nết ngủ đến khiếp, bom đạn cũng không đánh thức nổi”. Phượng là người đầu tiên nhận ra con “quái vật” kia thích Mùi, bô bô nói ra điều đó khiến cho các chị em Quán Tiên đều bị ám ảnh. Cô có một tình yêu “sét đánh” với Quỳnh – một anh lính lái xe. Nhưng giữa nơi chiến trường với những kỷ luật quân đội hà khắc, tình yêu đó bỗng trở thành nỗi lo sợ canh cánh thường trực trong cô.
Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh): Cô gái có nước da ngăm đen và mái tóc loăn xoăn, hay “kể chuyện ma” cho các chị em mỗi khi đêm về, nhất là câu chuyện rùng rợn: “đàn bà đi vào rừng một mình, khỉ vượn bắt được là nó hiếp đấy”. Bị mắc chứng bệnh hysteria, cứ dăm bảy ngày cô lại lên cơn, thỉnh thoảng còn lao vào Phượng cấu xé. Là cô gái sống tình cảm nhưng Tuyết Lan lại phạm vào một điều cấm kỵ ở ngay chính hang Quán Tiên…
Binh trạm trưởng Lâm (Minh Hải): “Sếp” của ba cô gái, cũng chính là người dẫn dắt ba cô tới hang Quán Tiên. Là người nghiêm khắc, thậm chí khắc nghiệt, luôn coi nơi gian khổ là nơi thử thách rèn luyện con người cao nhất, nơi nào ác liệt nhất là ông có mặt. Những “ham muốn thầm kín” của các cô gái vốn đã sớm bị ông nhìn ra, nhưng cách xử lý của ông mới chính là điểm cần đưa vào sách giáo khoa của người lãnh đạo.
Ku Xê (Leo Nguyễn): Chàng trai dân tộc Pa Kô – người đàn ông đầu tiên được gửi tới Quán Tiên để hỗ trợ các cô gái. Là người dân tộc thiểu số nên anh chàng khá lầm lì, ít nói, chỉ biết làm theo chỉ đạo của cấp trên. Nhưng đây cũng là một “ẩn sổ” mà một người dày dạn kinh nghiệm như binh trạm trưởng Lâm không ngờ tới. Anh chàng “lầm lì xì ra khói” này đã trở thành “tội đồ” tại Quán Tiên.
Thiệt (Trần Việt Hoàng): Anh bộ đội đẹp trai nhưng bị lãng tai, luôn trở thành tâm điểm trêu chọc của các chị em trong Quán Tiên. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, “tình chị duyên em” đã khiến một chú bé mới lớn, chưa từng biết yêu là gì nổi cơn ghen điên cuồng với… con quái vật. Thiệt cũng chính là người giúp Mùi nhận ra, cô đã thực sự rung động với ai?
Quỳnh (Lê Hoàng Long): Lính lái xe Trường Sơn, đẹp trai lãng tử, người duy nhất khiến Phượng đem lòng yêu dù được bao nhiêu anh lính lái xe khác vồ vập làm quen. Những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng của Quỳnh với Phượng tại Quán Tiên giống như “kinh điển” của những mối tình nảy nở trong bom đạn thời chiến. Tiếc rằng, Quỳnh đã “chạm khắc” vào tim Phượng một nỗi buồn.
“Nó” – Con “quái vật” gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các cô gái ở Quán Tiên. “Nó” là nhân vật duy nhất không phải con người, nhưng cũng có “số phận” riêng chứ không phải một con “quái vật” được thêm vào tác phẩm chỉ để hù doạ khán giả. Chắc chắn nhiều người sẽ thấy kinh sợ “Nó”, nhưng cũng có thể sẽ có người cảm thấy thương “Nó”…
Truyền thuyết về Quán Tiên được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều. Phim do đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thực hiện, từng giành được giải Bông sen Bạc, Âm nhạc xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21
Huyền Thanh
Theo MaskOnline