Lễ hội

Nhiều điểm mới hấp dẫn tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018

Đến với Hội chữ Xuân năm nay, bên cạnh hoạt động xin chữ, du khách sẽ được tham gia lễ hội thả đèn hoa đăng với mong muốn cho một năm mới an khang, thịnh vượng.

Trải qua 5 năm tổ chức, Hội chữ Xuân tại Văn Miếu đã dần trở thành một nét văn hóa đẹp, địa chỉ tin cậy của du khách và đặc biệt là người dân Thủ đô mỗi dịp Tết đến Xuân về. “Cho chữ – Xin chữ” đầu Xuân là văn hóa truyền thống của người dân cầu mong cho một năm mới như ý, đồng thời chính điều đó cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của Thư pháp Việt Nam.
Để phát huy giá trị đó, sáng 1/2, tại Văn Miếu Quốc Tử giám, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Ban Liên lạc các CLB Thư pháp Hà Nội đã có buổi họp báo thông tin về kế hoạch tổ chức Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018. Theo đó, Hội chữ sẽ được khai mạc vào ngày 09/02/2018.
Không gian Hội chữ Xuân được phân thành các khu vực. Bao gồm: khu sân khấu trung tâm; khu trưng bày triển lãm thư pháp; khu vực gian viết chữ; khu tái hiện quang cảnh trường thi; khu vực làng nghề truyền thống; khu vực các trò chơi dân gian.
Ban Tổ chức cho biết, hoạt động nổi bật tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 là triển lãm Thư pháp với chủ đề “Hiền tài” trưng bày 35 bức thư pháp chữ Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ truyền tải nội dung cổ vũ tinh thần “Tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài”.
Tham gia hoạt động cho chữ năm nay có 63 ông đồ là những người có khả năng viết thư pháp chữ Hán – Nôm, chữ Quốc ngữ là thành viên các CLB Thư pháp tại Hà Nội hoặc người viết tự do.

Ban tổ chức thông tin về Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018

Ông Lê Xuân Kiêu – GĐ Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã khẳng định: “Sau 5 năm diễn ra Hội chữ Xuân, năm 2018 là năm tổng kết và khép lại những thử nghiệm để tìm ra hướng đi đúng nhất cho Hội Chữ Xuân với một kỳ khảo tuyển hệ thống, chặt chẽ và hết sức công khai minh bạch. Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử giám đã phối hợp với Ban liên lạc các CLB Thư pháp Hà Nội tổ chức khảo tuyển với tổng số 97 người tham gia; và đã tuyển chọn được 55 người viết thư pháp có trình độ tham gia viết tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018”.
Bên cạnh nội dung chính “xin chữ, cho chữ”, du khách tới Hội chữ Xuân còn có cơ hội được tham gia trải nghiệm và tìm hiểu các quy trình làm giấy dó. Tìm hiểu về 3 dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng; tham quan các gian hàng làng nghề truyền thống lụa tơ tằm, sơn mài, khảm trai, mây tre đan nghệ thuật, hoa, cây cảnh…trải nghiệm hoạt động gói bánh chưng ngày Tết, tìm hiểu về một số món ăn truyền thống của Việt Nam.

Khu vực hồ Văn đang trong quá trình chuẩn bị cho Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018

Điểm mới của chương trình năm nay, du khách được thưởng thức và tham gia lễ hội thả đèn hoa đăng xuống mặt hồ với mong muốn cho một năm mới an khang, thịnh vượng,… thưởng thức các chương trình ca nhạc dân gian tổng hợp, quan họ, ca trù, hát xoan, hát xẩm… và các tham gia vào các trò chơi dân gian như: Bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, đập niêu đất, nhảy sạp, kéo co…
Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: “Sau 5 năm tổ chức Hội chữ Xuân, hoạt động Xin chữ – Cho chữ tại Văn Miếu vào dịp Tết Nguyên đán đã thực sự đi vào quy củ, loại bỏ được hình ảnh Người cho – Người xin lộn xộn, nhếch nhác, gây mất mỹ quan di tích. Có thể khẳng định, đây là một trong những hoạt động được mọi người ủng hộ, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách và nhân dân trong dịp Tết đến Xuân về… Tiếp nối tinh thần ấy, Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018, ngoài các hoạt động truyền thống như mọi năm, thì các hoạt động bên lề cũng có nhiều đổi mới…”.

Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo

Để đáp ứng nhu cầu “Cho chữ, xin chữ” đầu xuân, Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 sẽ được tổ chức tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ ngày 9-25/2 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất). Cụ thể, Hội chữ sẽ diễn ra từ 8 giờ đến 20 giờ hằng ngày. Riêng đêm ngày 30 Tết, Hội chữ hoạt động đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết âm lịch, hội chữ hoạt động đến 22 giờ.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *