Nhìn lại điện ảnh Việt năm 2013 với nhiều bộ phim "ấn tượng" theo các cách khác nhau.
1. Lửa Phật:
Lửa Phật là phim hành động, giả tưởng đầu tiên của Việt Nam và là dự án ấp ủ suốt 5 năm qua của Dustin Nguyễn. Đây được đánh giá là “bom tấn” bởi kinh phí lớn và quy tụ nhiều diễn viên được khán giả yêu thích – Dustin Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Đinh Ngọc Diệp, Hiếu Hiền, Thái Hòa, Phi Thanh Vân và cả Roger Yuan đến từ Hollywood. Sau nhiều phim chất lượng kém từ đầu năm tới nay, Lửa Phật với quy mô và sự đảm bảo từ các tên tuổi trên trở thành cái tên được kỳ vọng của điện ảnh Việt Nam.
Tên tiếng Anh "Once upon a time in Viet Nam" đã giới thiệu với người nước ngoài nội dung cũng như thông điệp của phim, cho họ biết được ở đâu trên đất nước ta cũng có những con người sẵn sàng hy sinh mọi thứ để bảo vệ đất nước. Mỗi chiến binh người Việt đều có đâu đó cái tâm từ bi của đức Phật, đất nước chúng ta luôn có những người phụ nữ sẵn sàng hy sinh tất cả cho em trai, cho người yêu, cho chồng, cho con rằng và điều quý giá nhất là bình yên. Đó là một cái tựa đặt hay và phù hợp.
Một điểm nhấn nữa ở Lửa Phật là phần phục trang và đạo cụ. Vì là phim giả tưởng nên mốc thời gian, bối cảnh trong phim cũng không thực sự rõ ràng. Quần áo các nhân vật trong phim cũng đều góp nhặt từ nhiều phong cách khác nhau nhưng về cơ bản đều tôn được dáng vóc của các diễn viên.
2. Mỹ Nhân Kế:
Từng lập kỷ lục phim Việt với doanh thu hơn 60 tỷ đồng, Mỹ nhân kế được chiếu tại Los Angeles (Mỹ) từ hôm 28/6 và nhận được sự quan tâm của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Trang web chuyên về điện ảnh nổi tiếng, Twitchfilm, cũng có một bài viết đánh giá về bộ phim quy tụ nhiều mỹ nhân Việt như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Ngọc Quyên…
Phim lấy bối cảnh cổ trang, kể về một tửu điếm có tên Đường Sơn Quán ngự trên một vùng đất có địa hình hiểm trở. Đứng đầu nơi đây là Kiều Thị (Thanh Hằng), “nữ soái” của một băng nhóm gồm toàn các mỹ nữ chuyên đi cướp vàng bạc châu báu của những người khách vãng lai. Một ngày, Linh Lan (Tăng Thanh Hà), một “bông hoa” bí ẩn lạc tới chốn đây. Mang trong mình lòng hận thù kẻ đã giết hại gia đình mình, Linh Lan được Kiều Thị và các chị em cưu mang, tập luyện võ công chờ ngày báo thù…
Tuy quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng nhưng chất lượng của Mỹ Nhân Kế không được đánh giá cao bởi diễn xuất, hình ảnh cũng như nội dung rời rạc, bộ phim đạt doanh thu cao có lẽ do nhiều cách PR của ê kíp phim chứ không phải do chất lượng nội dung phim đem lại.
3. Âm mưu giày gót nhọn:
Đối với những khán giả cho rằng điện ảnh Việt còn lâu mới đạt đến tầm của các nền điện ảnh tiên tiến, và rằng nếu có đi coi phim Việt thì cũng chỉ là mang tinh thần ủng hộ người nhà là chính thì bộ phim Âm mưu giày gót nhọn sẽ là câu trả lời hùng hồn nhất cho định kiến này.
Bộ phim khởi đầu với một màn giới thiệu ngắn gọn, đầy đủ cá tính của nhân vật Anne (Kathy Uyên) về nghề nghiệp, mơ ước riêng của cô nàng làm việc trong một công ty thời trang ở New York. Nhờ cứu một bàn thua cho sếp là nhà thiết kế lừng danh Tino, Anne được ông hứa hẹn sẽ giúp cô thăng tiến với điều kiện cô phải hoàn thành cho ông ta 40 bộ trang phục độc đáo. Cùng lúc đó thì Kiệt, chồng sắp cưới của Anne về công tác ở Việt Nam 3 tháng. Trong một lần video call cho nhau, Anne tình cờ nhìn thấy dưới gầm ghế nhà Kiệt có một đôi giày cao gót. Sự nghi ngờ biến thành cơn ghen khi Danny (Don Nguyễn), người bạn ở Việt Nam gửi cho Anne, những tấm ảnh chụp Kiệt đang nói chuyện thân mật với những cô người mẫu rất xinh đẹp. Anne quyết định bỏ dở công việc đang gấp rút để tranh thủ về Việt Nam tìm cho ra bằng chứng ngoại tình của Kiệt.
Để tìm hiểu các đối thủ là ba người mẫu nổi tiếng, Anne nhờ Danny huấn luyện để tìm cách chen chân vào giới người mẫu. Khi tiếp cận từng “kẻ tình nghi”, Anne cũng đồng thời khám phá ra được nhiều bí mật thầm kín của họ…
Âm mưu giày gót nhọn đem đến cho người xem nụ cười hầu như từ đầu đến cuối phim, chỉ trừ một vài phân đoạn xúc động. Đáng chú ý rằng nghệ thuật tạo tiếng cười trong Âm mưu giày gót nhọn từ lời thoại, tình huống hay cả điệu bộ diễn viên đều rất phù hợp hoàn cảnh, không phô hay cường điệu như một số phim hài Việt hay mắc phải. Chắn chắn khán giả sẽ không phải tiếc một chút nào khi đến rạp xem Âm mưu giày gót nhọn.
4. Đường Đua:
“Đường đua” của Lộc (Phạm Anh Khoa) là một hành trình nghẹt thở, một bên là nỗ lực cứu lấy sinh mạng của ba và em gái; mặt khác là tự cứu mình thoát khỏi vòng vây của các băng nhóm tội phạm, đứng đầu là Hải (Nhan Phúc Vinh). Con người đôi khi bất lực với hoàn cảnh. Lộc càng cố gắng thoát ra, càng vẫy vùng cho sự sống còn…cái chết càng đến gần hơn bên ngưỡng cửa…Số phận và hành trình của Lộc với yêu thương và tội ác sẽ là nỗi ám ảnh không nguôi với người xem.
Sau khi bị Hội đồng duyệt yêu cầu chỉnh sửa, có thể nói ekip phim cũng đã cân nhắc thêm thắt các chi tiết cũng như biên tập chỉn chu hơn trước khi mang đến cho hội đồng duyệt phim lần hai. Có thể nói nhà sản xuất Đường Đua đã cố gắng làm mọi điều có thể để đưa "đứa con tinh thần" của mình đến với công chúng.
Không hẳn quá nổi trội, nhưng Đường Đua vẫn hội đủ mọi yếu tố để thu hút khán giả từ nội dung, dàn diễn viên đến các pha hành động. Nên khán giả cũng đang rất háo hức chờ xem phim có tạo được cú hit mới cho phim Việt trong mùa hè 2013 này.
5. Váy Hồng Tầng 24:
Váy hồng tầng 24 là phim dựa theo kịch bản của Unbeatable 1 – bộ phim được coi là phiên bản của Sex And The City ở châu Á và là một trong những bộ phim truyền hình ăn khách nhất của Đài Loan. Nội dung phim xoay quanh 4 cô gái xinh đẹp và tài năng cùng làm việc trong lĩnh vực truyền thông: An Nhiên (Diễm My 9X), Khánh Ly (Khánh My), Thảo Vy (Minh Khuê) và Thùy Như (Yumi Dương).
Điểm cộng lớn nhất dành cho Váy hồng tầng 24 là dàn diễn viên "đẹp như mơ" gồm toàn trai xinh gái đẹp. Những cô gái chân dài trong phim đua nhau khoe sắc trong trang phục bắt mắt, phụ kiện hàng hiệu… Bên cạnh gái đẹp, trai xinh cũng là những gương mặt đình đám: Huy Khánh dù là nhân viên quét dọn vẫn lãng tử, hào hoa, "công tử" Hứa Vỹ Văn phong độ ngời ngời, Quốc Trường trong vai Hoàng Khải cũng "chất" không kém…
Kịch bản Việt hóa đã dở, diễn xuất của diễn viên thậm chí còn dở hơn. Thế nhưng, không nên đổ hoàn toàn lỗi cho họ, bởi bản thân nhân vật trong kịch bản có lẽ đã không hề có sự nhất quán, thiếu logic và cá tính.
Có thể nói, bộ phim là một bức tranh quá nhiều chi tiết và những màu sắc rực rỡ khiến người xem đau đầu và lóa mắt, nhưng ý nghĩa của nó thì có chăng chỉ có những người đã tạo ra nó may ra mới hiểu nổi còn khán giả có cố gắng đến mấy cũng đành lắc đầu chào thua.
6. Trò Đời:
Được chắt lọc từ 4 tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây và Ánh sáng kinh thành, bộ phim Trò đời hứa hẹn sẽ là điểm nhấn của phim truyền hình Việt năm 2013. Với dàn diễn viên chuyên nghiệp và sự đầu tư lớn về trang phục, bối cảnh… Trò đời tái hiện chân thật về bức tranh xã hội Việt Nam trước năm 1945.
Tiêu biểu trong đó là hình ảnh của Xuân Tóc đỏ và Đũi, những nhân vật điển hình cho người nông dân bị bần cùng hóa, bị thu hút bởi thứ ánh sáng ma mị của đô thị. Nhưng khác với Xuân Tóc Đỏ chìm sâu trong sự tha hóa, Đũi đã kịp thức tỉnh, trở lại lương thiện và có được cuộc sống hạnh phúc.
Trò đời quy tụ dàn diễn viên gạo cội như: NSƯT Quốc Anh (cụ cố Hồng), NSƯT Minh Hằng (Phó Đoan)… cùng với gương mặt trẻ lần đầu tiên vào vai chính trong phim truyền hình dài tập như Việt Bắc (Xuân tóc đỏ), Thanh Bảo (Đũi)…
Trước khi công chiếu, Trò đời được coi là phiên bản mới của phim Số đỏ. Nhưng, Trò đời đã thoát ra được cái bóng của Số đỏ và tạo dựng cho mình một diện mạo mới với cách tiếp cận mới. Hai bộ phim có thể khai thác cùng một câu chuyện nhưng trong Trò đời, truyện Số đỏ không phải là mạch chính mà gần như chỉ là mảnh ghép của một câu chuyện khác.
Dù còn một số thiếu sót nhất định nhưng thực sự Trò đời đã đem đến một làn gió mới cho phim Việt. Việc khai thác và chuyển tải thành công các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh đã mở ra một hướng đi mới trong thời kỳ “đói kịch bản hay” như hiện nay cho các nhà làm phim. Và hy vọng, sau thành công của Trò đời, khán giả sẽ được tiếp tục thưởng thức những bộ phim hay như thế.
7. Quả Tim Máu
Dựa trên vở kịch cùng tên nổi tiếng nhiều năm qua ở sân khấu kịch Phú Nhuận, TP HCM, Quả tim máu phiên bản điện ảnh là câu chuyện về một cô gái sau khi được ghép tim của một người chết bỗng nhiên gặp phải nhiều chuyện kỳ lạ… Bối cảnh phim xảy ra ở Đà Lạt – nơi nổi tiếng với những ngôi biệt thự cổ bị đồn ma ám và những cánh rừng heo hút.
Victor Vũ cho biết, vở kịch Quả tim máu có sức hấp dẫn lớn với anh bởi nội dung của nó vừa hù khán giả đến thót tim rồi lại "cù" họ cười thành tiếng. Anh quyết định lấy ý tưởng của vở kịch để đưa lên màn ảnh với sự tham gia của Thái Hòa trong vai nam chính. Tuy nhiên, khác với vở kịch, phần kết của phim sẽ có nhiều bất ngờ và xoay chuyển theo một hướng khác để những khán giả từng xem vở kịch không sao đoán nổi. Victor Vũ khẳng định, đây sẽ là một bộ phim ly kỳ và khả năng biến ảo trong diễn xuất của Thái Hòa sẽ đem lại sắc màu mới cho dòng phim kinh dị.
Theo dự tính ban đầu của nhà sản xuất, Quả tim máu sẽ ra mắt người xem cuối năm nay. Tuy nhiên, nhà phát hành quyết định lùi tới dịp Valentine năm sau để thử nghiệm một mùa phim mới cho điện ảnh Việt Nam cũng như cố gắng để khán giả có những trải nghiệm tuyệt vời nhất với một phim kinh dị thuần Việt.
8. Tèo Em:
Tý và Tèo hai nhân vật sống ở hai thế giới khác nhau – người lanh lợi, lịch lãm – kẻ cù lần, ngây ngô. Họ buộc phải lên cùng chuyến xe định mệnh đi về thị xã Sa Đéc, chạy đua với thời gian nhằm cứu vãn một mối tình. Trên đường đi, chính sự khác biệt và xung đột giữa họ đã sinh ra nhiều tình huống hài hước và tréo ngoe, tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện. Liệu khi cuộc hành trình bão táp ấy kết thúc, mối tình đang ở ranh giới mong manh ấy sẽ ra sao?
Đây là bộ phim hài đánh dấu sự trở lại của anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn sau sự cố với Bụi Đời Chợ Lớn.
Johnny Trí Nguyễn từ vai những vai diễn "nguy hiểm" bỗng trở lại thành 1 người anh hài hước và "đau khổ" khi sánh cùng cậu em Thái Hòa.