Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Những giải pháp trọng tâm của Chương trình 06 trong phát triển văn hoá Thủ đô những năm tới

Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội đã đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Trong đó bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách được xem là giải pháp trọng tâm mang yếu tố quyết định cho sự thành công của Chương trình.

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch văn minh 2017”

Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là một trong 10 Chương trình công tác của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII. Chương trình đã đặt ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm chỉ tiêu cơ bản: Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá; Văn hoá nghệ thuật; Phát triển thể thao: Phát triển du lịch; Phát triển giáo dục và đào tạo; Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm.

Chương trình cũng đặt ra 3 nhiệm vụ chủ yếu. Một là, phát triển văn hoá với các nhiệm vụ cụ thể: Xây dựng môi trường văn hoá; Tăng cường xây dựng văn hoá trong chính trị và văn hoá trong kinh tế; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá; Nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá nghệ thuật, bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hoá; Phát triển du lịch; Phát triển thông tin, truyền thông; Phát triển sự nghiệp thể dục thể thao; Hội nhập quốc tế.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với lĩnh vực: Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, xây dựng dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó chú trọng đến các lĩnh vực: Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội; Nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong việc thực hiện 02 quy tắc ứng xử; Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hoá truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet

Để hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã đưa ra 6 giải pháp, cụ thể như sau:

Công tác quán triệt, tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến nội dung Chương trình tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng biên và nhân dân về vị trí, vai trò của sự nghiệp phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu, vận động nhân dân Thủ đô thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố.

Huy động nguồn nhân lực: Ưu tiên đầu tư từ ngân sách Thành phố cho phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Triển khai tích cực, có hiệu quả xã hội hoá đầu tư lĩnh vực văn hoá, thể thao, tháo gỡ khó khăn các dự án đã và đang triển khai, xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô. Đẩy mạnh khuyến khích xã hội hoá, huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đóng góp trí tuệ, cơ sở vật chất, công nghệ trong phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tổ chức chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia lĩnh vực văn hoá, thể thao ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Khuyến khích sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố vào các nhiệm vụ phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Xây dựng Nghị quyết của Thành uỷ khoá XVII về phát triển công nghiệp văn hoá nhằm xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hoá trong tình hình mới. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện trong phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về phát triển văn hoá, thể thao, giáo dục…

Định hướng xây dựng quy hoạch văn hoá, thể thao có tầm nhìn chiến lược, lâu dài theo hướng thuận tiện đến các khu dân cư và các tuyến giao thông chính của Thành phố, tạo điều kiện để nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, đồng thời huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp văn hoá trên các lĩnh vực, đảm bảo văn hoá phát triển đa dạng, phong phú dưới sự quản lý của Nhà nước và định hướng của Đảng.

Xây dựng các đề án sử dụng, khai thác cơ sở vật chất tại các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao nhằm tăng thêm nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp và tăng cường cơ sở vật chất cho phát triển văn hoá, thể thao. Sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế đặc thù trong lĩnh vực di sản, nghệ thuật, văn hoá cơ sở, thể dục, thể thao, giáo dục… đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời giai đoạn mới.

Xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; có phương thức lồng ghép, tích hợp các nhiệm vụ của cơ sở, ban, ngành, làm cho nhiệm vụ phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thống nhất, đồng thời không ngừng nâng cao tính xã hội hoá, khả năng đóng góp ngày càng rộng rãi của xã hội góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa đô thị và nông thôn, các tầng lớp trong lớp trong xã hội.

Nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển mô hình du lịch di sản, ẩm thực; nhất là trong lĩnh vực sáng tạo khởi nghiệp, gắn kết du lịch với các ngành công nghiệp văn hoá; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hoá. Chú trọng phát triển loại hình du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm.. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giáo dục, đào tạo nghề nhằm đảm bảo yêu cầu về tay nghề, chuyên môn với các ngành nghề cụ thể.

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý hiện có, bổ sung, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của lĩnh vực phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên địa bàn. Xây dựng chế tài xử lý vi phạm đối với lĩnh vực văn hoá đảm bảo đủ sức răn đe.

Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế. Tăng cường trao đổi, hợp tác, học tập kinh nghiệm với các địa phương trong và người nước. Đẩy mạnh hội nhập giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và trên thế giới bằng các chương trình giao lưu văn hoá, thể thao, đăng cai tổ chức các hội nghị quốc gia, quốc tế và ký kết hợp tác với các đơn vị truyền thông uy tín trên thế giới góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.

Phát huy sức mạnh hệ thống chính trị, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phát hiện các nhân tố mới, mô hình mới trong xây dựng và phát triển văn hoá; biểu dương tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua.

Nguyễn Phong

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *