Tin ngành

Những gương mặt tiêu biểu: Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung – Người góp phần lan tỏa âm nhạc dân gian

Đã thành thông lệ, hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, Thành uỷ – HĐND – UBND – Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức Hội nghị biểu dương “Người tốt – việc tốt”, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, tuyên dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có nhiều thành tích đóng góp cho Hà Nội. Với mong muốn lan toả, nhân rộng những đoá hoa “Người tốt – việc tốt” của Thành phố, cuốn sách “Những bông hoa đẹp” tập XXVII hội tụ hơn 70 gương điển hình tiêu biểu cho nhiều lĩnh vực trong xã hội. Rất vinh dự là có 3 gương mặt tiêu biểu thuộc lĩnh vực Văn hoá và Thể thao Thủ đô được giới thiệu trong cuốn sách. Đó là Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội; Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung, Chủ nhiệm CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân, quận Thanh Xuân và Nghệ sỹ ưu tú Khánh Hoà thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Sở VHTT Hà Nội trân trọng gửi tới độc giả các bài viết giới thiệu về 3 gương mặt tiêu biểu trên.

Bài 3: NGHỆ NHÂN ƯU TÚ PHAN THỊ KIM DUNG – NGƯỜI GÓP PHẦN LAN TOẢ ÂM NHẠC DÂN GIAN

Khoảng sân nhỏ của nhà văn chỉ làng Mọc nhiều năm qua đã trở thành điểm hẹn của Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân. Từ những cụ bà đã ở tuổi thất thập đến các chị tuổi trung niên hay các cháu nhỏ… tất cả đều coi câu lạc bộ như sân chơi đầy ý nghĩa. Người đặt viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng và phát triển của Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân chính là Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định nên ngay từ nhỏ những điệu hát xẩm, hát chèo, hát văn từ người cha là nghệ nhân nổi tiếng Phan Đức Hậu đã truyền cho cô bé Phan Thị Kim Dung niềm đam mê với âm nhạc cổ truyền. Được sự truyền dạy kỹ càng về nghệ thuật hát, về nội dung của làn điệu hát xẩm từ cha, cô bé Kim Dung đã trở thành diễn viên nhí của xã và đem về nhiều thành tích cho quê hương. Bà cũng may mắn được tham dự lớp học hát xẩm của Nghệ nhân Hà Thị Cầu giảng dạy cho Đoàn Chèo Hà Nam (cũ) và sau này còn được sự chỉ bảo của Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch – một trong những gương mặt gạo cội của làng âm nhạc dân gian Việt Nam.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung – Chủ nhiệm CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân, quận Thanh Xuân.

Năm 1995, khi theo chồng và các con lên Hà Nội sinh sống tại làng Nhân Chính (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), niềm đam mê từ thuở nhỏ ấy tiếp tục được nối dài. Với mong ước sẽ lan tỏa sức sống của âm nhạc dân gian trong đời sống cộng đồng, Nghệ nhân ưu tú Kim Dung dành nhiều thời gian và tâm huyết để truyền dạy những lời ca, điệu hát cổ truyền cho người dân ở làng Mọc Quan Nhân nơi bà gắn bó và sinh sống suốt hơn hai mươi năm qua. Niềm say mê, mong mỏi của bà cũng đã trở thành hiện thực khi Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân chính thức thành lập (vào ngày 19/5/2009). Từ hơn chục thành viên thuở ban đầu điều là những diễn viên không chuyên, phần lớn là những người đã lên ông, lên bà, đến nay số hội viên của Câu lạc bộ đã ngót nghét 50 người trong đó có cả các cháu thiếu niên, nhi đồng. Hằng tuần, vào những buổi sinh hoạt định kỳ, Nghệ nhân ưu tú Kim Dung lại say sưa truyền dạy cho các hội viên trong Câu lạc bộ kỹ năng biểu diễn hát xẩm, các làn điệu dân ca, quan họ, hát chèo, hát văn… và cả các điệu múa dân gian. Bên cạnh đó, bà còn dạy cho các học viên diễn xuất các vai trong nhiều vở chèo cổ, hát xẩm như: Thị Màu lên chùa, Tuần ti Đào Huế, xẩm chợ
Nghệ nhân ưu tú Kim Dung chia sẻ: “Câu lạc bộ ra đời trên đất làng Mọc là để phục vụ cho dân làng. Vậy nên cứ mỗi dịp lễ hội, ngày tết, ngày kỵ thánh, ngày mừng thọ các cụ cao niên các hội nghị của phường, của quận, Câu lạc bộ đều mang những lời ca tiếng hát đầy chất nhân văn để phục vụ đời sống tinh thần cho những người dân nơi đây. Đặc biệt, các cháu thiếu nhi trong Câu lạc bộ còn tham gia biểu diễn trong các buổi sinh hoạt dưới cờ những làn điệu dân gian đã được tôi truyền dạy tại Câu lạc bộ như: biểu diễn hát xẩm “Hỏi thăm cô Tú” tại trường Tiểu học Nhân Chính, biểu diễn hát văn “Xuân về trên đất Thăng Long” tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung”…
Qua thời gian, “tiếng thơm” của Câu lạc bộ không dừng ở làng Mọc mà đã vươn xa hơn tới các phường, xã bạn, tới nhiều địa phương trên cả nước. Rất nhiều những giải thưởng trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ như: Huy chương Vàng trong Hội thi Hát văn và hát chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất tại Vĩnh Phúc năm 2010; giải Nhất trong Liên hoan Hát văn do Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức năm 2012; giải Nhất trong cuộc thi hát xẩm quận Thanh Xuân và giải A1 thành phố Hà Nội, các cháu thiếu niên múa sênh tiền đạt giải Nhì cấp quận, giải A1 thành phố; giải A1 trong Liên hoan Dân ca dân vũ do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức năm 2016; giải Ba trong Liên hoan Hát xẩm khu vực phía Bắc do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức tại Ninh Bình năm 2019… đã minh chứng cho những thành công của Câu lạc bộ.
Một điều vô cùng ý nghĩa, đó là Câu lạc bộ còn thu hút được nhiều em thiếu niên nhi đồng tham gia sinh hoạt. Chỉ trong vòng 10 năm, kể từ khi thành lập Câu lạc bộ, Nghệ nhân ưu tú Kim Dung đã mở ngót nghét 10 lớp học miễn phí cho hơn 300 em nhỏ của quận Thanh Xuân. Đặc biệt, từ năm 2018 bà còn được lãnh đạo quận Thanh Xuân mời đứng lớp bồi dưỡng hạt nhân nghệ thuật truyền thống cho các cháu độ tuổi từ 6 – 14 đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Nhờ sự tận tâm trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng biểu diễn các môn nghệ thuật truyền thống, các em đã tự tin biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn nhỏ như: Tham gia biểu diễn trong lễ hội hoa anh đào, lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tại tượng đài Lý Thái Tổ, tham gia chương trình giao lưu văn hóa hai nước Việt Nam và Trung Quốc…
Chia sẻ về những cô cậu học trò nhỏ tuổi ở lớp học của mình, Nghệ nhân ưu tú Kim Dang không khỏi xúc dộng. Bà nhắc đến những cái tên: Phương Linh, Quỳnh Trang, Thùy Chi, Linh Chi, Diệu Anh. Minh Yến… với niềm tự hào khôn xiết. “Trong bối cảnh mà âm nhạc cổ truyền đang có nguy cơ bị mai một, lớp trẻ không mặn mà với âm nhạc dân tộc thì việc thu hút và gieo được niềm say mê cho các em nhỏ với tôi vừa là thách thức vừa là một động lực. Những thành quả mà các cháu đã “gặt hái” được qua những kỳ cuộc hội thi chính là một sự động viên to lớn đối với tôi. Nó là động lực để tôi tiếp tục lan tỏa niềm đam mê đến với môi tầng lớp nhân dân, góp phần gìn giữ, bảo tồi các môn nghệ thuật truyền thống”. – Nghệ nhân ưu tú Kim Dung bộc bạch.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung và các em nhỏ lớp bồi dưỡng hạt nhân nghệ thuật truyền thống quận Thanh Xuân biểu diễn làn điệu chèo cổ tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ.

Không chỉ gặt hái được những mùa quả ngọt khi đảm đương vai trò “nhạc trưởng” Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân, Nghệ nhân ưu tú Kim Dung còn rất năng động và tận tâm trên cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ của người khuyết tật quận Thanh Xuân; tham gia tích cực các hoạt động trong Câu lac bộ Nghệ thuật truyền thống quận Thanh Xuân, Câu lạc bộ Xa La – Hà Đông…
Đặc biệt, Nghệ nhân ưu tú Kim Dung còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Với tấm lòng “Thương người như thể thương thân”, nhiều năm qua bà đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo như: vận động hội viên Câu lạc bộ mua chăn ấm, áo len, mũ len, xe lăn, quà… tặng cho người khuyết tật, học sinh dân tộc vùng cao Yên Bái và Điện Biên với hiện vật và tiền trị giá gần 30 triệu đồng (năm 2018); cùng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và một số hội viên vận động mua chăn ấm, quần áo rét… góp sức với Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân tặng các cháu của Trường Mầm non Tô Mậu, Lục Yên, Yên Bái với số tiền gần 20 triệu đồng (năm 2020)…
Với nhiều việc làm ý nghĩa, năm 2015, bà Phan Thị Kim Dung đã vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở loại hình hát xẩm. Cũng năm đó, bà còn giành được Huy chương Vàng với tiết mục hát Xẩm Nhị tình lời cổ trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng đàn, hát dân ca khu vực Bắc Trung Bộ do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Mới đây nhất – năm 2021, bà đã được Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về thành tích “Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố.
Nghệ nhân ưu tú Kim Dung cho biết để có được những thành quả đáng tự hào này là nhờ sự góp sức, động viên rất lớn từ gia đình, hội viên câu lạc bộ cũng như sự quan tâm của các ban, ngành đoàn thể, và nhiều người dân địa phương. Đó là điểm tựa và cũng là động lực để bà thêm say, thêm yêu nghệ thuật truyền thống, và càng gắng sức nỗ lực hơn nữa để gieo mầm tình yêu nghệ thuật truyền thống trong đời sống hôm nay.

Đặng Thủy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *