Nghệ thuật

Những gương mặt tiêu biểu: Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa – Hạnh phúc khi được lan tỏa yêu thương

Đã thành thông lệ, hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, Thành uỷ – HĐND – UBND – Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức Hội nghị biểu dương “Người tốt – việc tốt”, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, tuyên dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có nhiều thành tích đóng góp cho Hà Nội. Với mong muốn lan toả, nhân rộng những đoá hoa “Người tốt – việc tốt” của Thành phố, cuốn sách “Những bông hoa đẹp” tập XXVII hội tụ hơn 70 gương điển hình tiêu biểu cho nhiều lĩnh vực trong xã hội. Rất vinh dự là có 3 gương mặt tiêu biểu thuộc lĩnh vực Văn hoá và Thể thao Thủ đô được giới thiệu trong cuốn sách. Đó là Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội; Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung, Chủ nhiệm CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân, quận Thanh Xuân và Nghệ sỹ ưu tú Khánh Hoà thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Sở VHTT Hà Nội trân trọng gửi tới độc giả các bài viết giới thiệu về 3 gương mặt tiêu biểu trên.

Bài 2: NGHỆ SỸ ƯU TÚ KHÁNH HOÀ – HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC LAN TOẢ YÊU THƯƠNG 

Dù công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, thế nhưng công chúng thường biết về Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa là người không ngại khó, không ngại khổ đến biểu diễn tại các vùng biên giới, hải đảo để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc thiểu số. Cô ca sĩ xứ Thanh lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn và tự tin chia sẻ rằng: “Hạnh phúc khi được lan tỏa yêu thương”.

Tôi cứ trăn trở mãi về cái tên Khánh Hòa của nữ nghệ sĩ giàu lòng nhân ái này. Không biết chị có sinh ra ở Khánh Hòa hay một điều gì đó gắn với huyện đảo Trường Sa? Thế rồi được gặp và trò chuyện với chị mới biết rằng, chị sinh ra ở một vùng quê nghèo của huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) và bố mẹ chị đặt tên này rất ngẫu nhiên. Điều đó như là duyên tiền định. Chị rất gắn bó với Trường Sa và dành rất nhiều tình cảm cho Trường Sa. Chẳng thế mà không phải ca sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhưng chị đã có đến 6 lần ra Trường Sa và được mệnh danh là “Cô gái Trường Sa”.

Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa – Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

Kể từ năm 2009, lần đầu tiên đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa, chị đã cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của những người lính đảo. Người lính nơi này thiếu thốn tình cảm, họ đón chào những người ra thăm đảo như người thân trong gia đình. Mồi lần ra là một lần nhớ nhung nhiều hơn, thương mến nhiều hơn. Vì lẽ đó mà vào tháng 5/2012, không nhiều người ngạc nhiên khi chị đã cùng đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Việt Hương và ê kíp làm phim ra Trường Sa để thực hiện dự án âm nhạc – album “Gần lắm Trường Sa” gồm 7 ca khúc: “Sức sống Trường Sa”, “Mùa xuân nơi Trường Sa”, “Thời gian của đời”, “Tiếng hát nơi đảo xa ”, “Dừng ví em là biển “, “Sao biển ”, “Gần lắm Trường Sa”. Và đây được xem là DVD ca nhạc đầu tiên được quay tại hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Chan chứa tình cảm với các chiến sĩ đóng quân ở những vùng còn nhiều khó khăn, tháng 8/2016, chị đã cùng ekip đi gần 2.000km đến khắp các ngõ ngách, bản làng vùng cao của tỉnh Hà Giang để thực hiện album “Tình biên cương”. Ở đó, nữ ca sĩ đã viết nên câu chuyện của một cô gái Mông vùng cao xinh đẹp hát hay, trai bản rất thích cô nhưng cô lại trót yêu thương người lính biên phòng. Phim xây dựng hình tượng người chiến sĩ biên phòng ngoài việc cầm súng canh giữ chốt tiền tiêu thì các anh cũng đã hết lòng chăm lo cho đời sống của dân bản, vì thế mà cô gái Mông đã thầm yêu trộm nhớ người chiến sĩ biên phòng.


Với chất liệu âm nhạc Mông là chủ đạo, album “Tình biên cương” có những ca khúc quen thuộc như “Bài ca trên núi”, “Tình yêu bên suối”, nhưng cũng có những bài vẫn còn lạ đối với đại bộ phận công chúng như “Tiếng chim họa mi hót” “Thương anh nhiều lắm đấy”. Có thể nói không có nhiều điều kiện để làm sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm âm nhạc công phu như chị đã làm, nhưng Khánh Hòa quyết tâm bởi đó là tình cảm là tấm lòng, là tất cả sự trân trọng của mình. Đây có thể xem là sự tử tế của một nghệ sĩ đối với nghề nghiệp trong cuộc sống luôn vội vã hối hả và rất dễ quên đi nhiều giá trị như hôm nay.
Chưa dừng ở đó, Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa còn thường xuyên tham gia biểu diễn từ thiện, biểu diễn miễn phí phục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện Xanh Pôn, Việt Đức, Bạch Mai, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương… với chủ đề “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Chị còn tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân tại phố đi bộ theo “Chương trình kích cầu sau giãn cách Covid-19″. Gần đây chị cùng với Hội Nghệ sĩ Thanh Hóa tại Hà Nội ủng hộ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội số tiền 50 triệu đồng để mua trang thiết bị phục vụ việc phòng, chống dịch Covid-19 rồi gửi số tiền nho nhỏ để động viên, hỗ trợ bộ đội biên phòng ở hai tỉnh Kiên Giang, Hà Giang đang ngày đêm “căng mình” trực chốt trên những đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 xâm nhập trên tuyến biên giới.
Trò chuyện cùng tôi, chị say sưa kể về những chuyên đi biểu diễn phục vụ các khán giả đặc biệt là các bệnh nhân bị ung hình ảnh những em nhỏ trên đầu không còn tóc cứ ám ảnh chị mãi. Chị tâm nguyện, âm nhạc là “món ăn tinh thần”, là sức mạnh to lớn tạo niềm tin, động lực để người bệnh có thêm niềm lạc quan chiến thắng bệnh tật. “Có vào trong bệnh viện mới thấy cuộc đời còn quá nhiều hoàn cảnh éo le, trắc trở cần được sẻ chia, đùm bọc. “Mỗi lần đi hát ở bệnh viện lại cho tôi một cảm xúc thật đặc biệt, giúp tôi thêm chiêm nghiệm về cuộc đời, trân trọng về những gì mình đang có và nỗ lực, phấn đấu hơn nữa. Là ca sĩ thì không có gì tốt hơn là dùng chính giọng hát của mình để xoa dịu nỗi đau của người bệnh, đồng thời “tiếp lửa” cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế”. – Nữ ca sĩ bộc bạch.
Thường xuyên làm thiện nguyện, ca sĩ Khánh Hòa đã được Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020. Nói về công việc, chị bảo mình làm những việc thiện đơn giản xuất phát từ cái tâm sáng trong. Cứ làm thật tốt từ những việc nhỏ. Cuộc đời giúp được ai cái gì là mình cảm thấy vui rồi.
Cùng với hoạt động xã hội, Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa còn thường xuyên tham gia các chương trình nghệ thuật phục vụ quần chúng, các nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố cũng như của đất nước, như: “Đẹp mãi Thăng Long”; “Thành phố vì hòa bình” chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội; Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tô (5/6/1889 – 5/6/2019); “Mừng Đảng, mừng Xuân”, “Kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch”… Chị cũng đã đạt thành tích cao tại các hội thi như: Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, Liên hoan Nghệ thuật 3 nước Đông Dương, Liên hoan “Tiếng hát Đường 9 xanh
Luôn làm mới mình, ca sĩ Khánh Hòa còn đến với bolero và từng thực hiện minishow “Xin trả lại thời gian” với những tình khúc nổi tiếng như “Đừng nói xa nhau”, “’Xin trả lại thời gian” “Biển tình”, “Không bao giờ quên anh”, “Kiếp nghèo’, “Hoa nở về đêm “… Đến với dòng nhạc này, chị từng tuyên bố với báo giới là đang đi con đường của mình chứ không chạy theo trào lưu. Và chị tin những gì từ trái tim sẽ đến được trái tim, đó là con đường ngắn nhất để chinh phục khán giả. “Mình hãy luôn là mình đừng chạy theo thị hiếu của đám đông. Sự nổi tiếng hay ngôi sao cũng chỉ là hào quang nhất thời. Điều còn lại là tiếng hát, có thể sẻ chia được với ai đó”. Bên cạnh đó, chị còn tham gia giảng dạy, đào tạo cho nhiều thí sinh ôn thi vào các trường nghệ thuật chuyên nghiệp (trong đó có 2 thí sinh đỗ thủ khoa vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) rồi bồi dưỡng kiến thức cho sinh viên thanh nhạc hay đơn thuần là hướng dẫn những ai có nhu cầu học hát để tạo niềm vui trong cuộc sống.
Có thể nói, Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa như “con thoi” trong công việc. Với chị cuộc sống là dòng chảy không ngừng, chừng nào còn làm việc, còn cống hiến, còn tham gia các hoạt động xã hội thì cuộc đời sẽ còn ý nghĩa biết bao!

Ngô Khiêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *