Về phát triển văn hóa, huyện Thanh Oai có 129 thôn, tổ dân phố, 17 cơ quan đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa năm 2022 (3 cơ quan lần đầu, 14 cơ quan công nhận 5 năm); 3 thôn đăng ký xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu; 06 xã đăng ký đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 95,7% hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa…
Thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh chung chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng việc thực hiện Chương trình số 04 của Huyện ủy Thanh Oai về “Phát triển văn hóa, du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Thanh Oai, Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” tiếp tục được quan tâm và đạt những kết quả tích cực.
Thanh Oai quan tâm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu. Ảnh minh họa
Về phát triển văn hóa, huyện Thanh Oai có 129 thôn, tổ dân phố, 17 cơ quan đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa năm 2022 (3 cơ quan lần đầu, 14 cơ quan công nhận 5 năm); 3 thôn đăng ký xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu; 06 xã đăng ký đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 95,7% hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 đã chỉ đạo, hướng dẫn công tác tu bổ, tôn tạo đối với 9 di tích; đề nghị xếp hạng 05 di tích; hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố hỗ trợ tu bổ 46 di tích giai đoạn 2021-2025. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tính đến hết tháng 3, huyện Thanh Oai tổ chức được 4 giải thể dục thể thao cấp huyện.
Đối với phát triển du lịch, huyện triển khai thực hiện đánh giá thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch của một số di tích, làng nghề như: Làng nghề tương, miến Cự Đà (xã Cự Khê); làng nghề điêu khắc, kim khí Dư Dụ (xã Thanh Thùy); làng nghề lồng chim, tạc tượng (xã Dân Hòa); làng nghề nón Chuông (xã Phương Trung); phối hợp sản xuất chương trình “Hương vị Tết ở Ước Lễ”; thực hiện quay, chụp sản phẩm giao diện ảnh 3600 quảng bá đền Nội Bình Đà (xã Bình Minh), chùa Bối Khê (xã Tam Hưng), làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê).
Tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch của một số làng nghề. Ảnh minh họa
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện đã đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tính đến nay, huyện Thanh Oai có 59/71 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề chất lượng cao được thực hiện theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu sử dụng lao động. Việc thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử đã dần hình thành những chuẩn mực văn hoá của tổ chức, cá nhân nơi công cộng cũng như chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Huyện ủy Thanh Oai sẽ tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cũng như các đề án, kế hoạch, chỉ tiêu đề ra của Chương trình số 04, trong đó chú trọng công tác phối hợp, chủ động triển khai nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, bảo đảm thích ứng, linh hoạt trước tình hình dịch bệnh COVID-19; tiếp tục đề nghị tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; lập hồ sơ đề nghị nâng cấp di tích đền Nội Bình Đà (xã Bình Minh), chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) từ cấp quốc gia lên cấp Quốc gia đặc biệt; chỉ đạo phát động cuộc thi viết giới thiệu về một số di tích, làng nghề, cơ sở kinh tế, văn hóa tiêu biểu của huyện; thực hiện xây dựng điểm du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh gắn với các di tích, làng nghề… tạo nền móng cho sự phát triển bền vững của huyện Thanh Oai trong giai đoạn mới.
Thảo Nhi