Xuất hiện đã lâu nhưng thể dục nghệ thuật dường như vẫn là cái tên xa lạ ở Việt Nam, chỉ có một số ít cơ sở đào tạo tại các thành phố lớn.
Thể dục nghệ thuật là một môn của thể dục dụng cụ. Bắt đầu phát triển ở Việt Nam từ hơn 20 năm trước nhưng hiện tại, bộ môn này mới chỉ có mặt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Hiện có tổng cộng 9 VĐV nữ thể dục nghệ thuật thuộc hai đội tuyển Quốc gia và Hà Nội, luyện tập tại Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thu Hà.
Các nữ VĐV được tuyển chọn từ cấp cơ sở, bắt đầu từ khi 6-8 tuổi, rèn luyện một đến hai năm trước khi được lên đội tuyển. Ngoài ra, với các yêu cầu về hình thể, khuôn mặt rất khắt khe nên mỗi năm đội tuyển chỉ bổ sung thêm được một đến hai VĐV.
Trung bình mỗi ngày VĐV thể dục nghệ thuật phải tập từ 6 đến 8 tiếng, những ngày học sáng thì tập chiều, những ngày học tối thì tập cả ngày.
Trên sàn tập, ngoài những dụng cụ bảo hộ như bao gối, cùi chỏ hay giầy, VĐV còn phải đeo dây chun giữa hai cổ chân, việc này giúp cho quá trình rèn luyện hiệu quả hơn.
Trong thi đấu, các VĐV thể dục nghệ thuật phải biểu diễn bốn bài, mỗi bài khoảng 90 giây, với bốn trong năm dụng cụ là chùy, vòng, bóng, lụa, và dây.
Yêu cầu đối với các VĐV thể dục nghệ thuật trong động tác là các ngón chân phải thẳng. Việc di chuyển như trên ảnh ghi lại sẽ giúp các ngón chân theo xu hướng thẳng với ống đồng.
Bôi nến vào đế giầy có tác dụng giảm ma sát với thảm giúp vận động viên di chuyển dễ dàng hơn.
Cân nặng là yếu tố được theo dõi sát sao, các VĐV phải cân mỗi ngày, trước và sau buổi tập.
Họ kiểm soát cân nặng hàng ngày bằng cách mặc áo khoác chạy bộ, bất kể thời tiết – thậm chí có ngày nắng nóng 35-36 độ C. Trong một dịp chia sẻ với truyền thông trước đây, HLV Nguyễn Thu Hà nói: “Thể dục nghệ thuật mang yếu tố đặc thù rất cao, mỗi vận động viên theo tập đều phải có những tố chất nhất định và được huấn luyện, rèn giũa trong một quá trình với thời gian khá dài từ 4 – 5 năm. Chúng tôi phải theo sát, nắn nót tỉ mỉ cho các em từng chi tiết nhỏ”.
Theo VNExpress