Nghệ thuật

NNƯT Trần Hữu Cạnh: Hát và dạy hát văn, chầu văn là niềm vui của người nghệ sĩ.

NNƯT Trần Hữu Cạnh  đã truyền dạy thành công cho hàng chục học trò. Ông còn tham gia giảng dạy 5 lớp học hát chèo, hát văn và chầu văn ở miền Bắc và miền Nam. Hơn 20 năm rèn rũa, học tập và thực hành, với NNƯT Trần Hữu Cạnh hát hay dạy hát văn, chầu văn đều là niềm vui của người nghệ sĩ.

 

NNƯT Trần Hữu Cạnh

Sinh năm 1952, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Hữu Cạnh, ở phố Quan Nhân, phường  Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã nổi tiếng hơn 20 năm nay với tiếng hát chèo, hát văn và chầu văn.

NNƯT Trần Hữu Cạnh đến với hát chèo từ khi còn nhỏ và tham gia đội văn nghệ của địa phương. Lớn lên, ông theo học trường nghệ thuật sân khấu ở Hải Dương rồi xung phong đi bộ đội. Đi qua các chiến trường ác liệt của Quảng Trị, Bình Trị Thiên, Huế, Sài Gòn, ở đâu tiếng hát của ông cũng vang lên, động viên tinh thần chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ, vượt qua mọi khó khăn của cuộc chiến khốc liệt. Sau Giải phóng miền Nam, do sức khỏe yếu, ông Cạnh được phục viên, trở về quê Hải Dương, mưu sinh. Tiếng hát văn, chầu văn ông đam mê ngày nào chìm đi trong nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Năm 1999, ông Cạnh lên Hà Nội. Ở môi trường mới, bạn bè mới, mối lo cơm áo gạo tiền đã không át nổi niềm đam mê hát văn và chầu văn ngày nào. Tuy muộn, nhưng ông Cạnh lại có may mắn được trực tiếp học hỏi từ các nghệ nhân, nghệ sỹ như nghệ nhân Kim Sinh, Ngô văn Đảm, Tào Mạt (nhà viết kịch chèo) Ông còn theo học thầy Thanh môn đàn Nguyệt  ở CLB Đàn và hát dân ca Đài tiếng nói Việt Nam…

Là một thanh đồng, ông đã hóa thân rất khéo léo, phù hợp với phong thái của từng nhân vật trong các giá. Diễn xuất oai nghiêm mà sang trọng khi thể hiện Cung văn, ông đã vận dụng nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ và làn điệu phù hợp như: Thỉnh, phú, dọc, cờn, xá thượng, bài sai, xá bắc, nhịp một… sao cho phù hợp với các vai ông hoàng, bà chúa, cô, cậu…

NNƯT Trần Hữu Cạnh và bạn diễn luyện tập tại nhà

Không chỉ biểu diễn hát văn và chầu văn, NNƯT Trần Hữu Cạnh còn tham gia truyền dạy môn nghệ thuật truyền thống này. Đến nay, NNƯT Trần Hữu Cạnh  đã truyền dạy thành công cho hàng chục học trò, trong đó có 1 học trò được phong tặng NNƯT đợt này. Ông còn tham gia giảng dạy 5 lớp học hát chèo, hát văn và chầu văn ở miền Bắc và miền Nam. Học trò của ông còn nhớ mãi hình ảnh người thầy vui tính, nhiệt tình với những bài dạy nhuần nhuyễn như hát các giá: Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Bơ, Ông Hoàng Bẩy, Hoàng Mười, Cậu Hoàng Bơ.. và những bài chèo, bài hát văn như: Tình Xuân xin gửi nơi quê, Xuân về trên đất Thăng Long, Chân quê, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa ….

Do đặc điểm là âm nhạc dân gian, hát văn, hát chầu văn mang tính truyền khẩu, nên khi soạn giáo án, NNƯT Trần Hữu Cạnh rất cẩn trọng trong việc truyền dạy học trò sao cho dễ hiểu, nhất là việc truyền dạy  kỹ thuật đập phách nội, phách ngoại, cấu trúc của các làn điệu phải bật lên phong thái và tính cách của nhân vật … Ví như giá Chầu Đệ Nhị, hay gía Cô Bơ. Đặc biệt là phải phân biệt cho người học biết được âm sắc của hát văn, chầu văn khác với hát chèo, hát quan họ như thế nào…

Hơn 20 năm rèn rũa, học tập và thực hành, với NNƯT Trần Hữu Cạnh hát hay dạy hát văn, chầu văn đều là niềm vui của người nghệ sĩ.

Ông cũng rất vui khi thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Từ đây, những thanh đồng như ông càng thêm yêu mến và sống hết mình với hát văn, chầu văn truyền thống của dân tộc.

Niềm đam mê hát văn và chầu văn của NNƯT Trần Hữu Cạnh  đã giúp ông gặt hái được nhiều thành công: Năm 2004, giành giải Nhất hát chèo của CLB Đàn và hát Dân ca Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 2010, ông đại diện cho CLB UNESCO Hà Nội tham dự và giành Huy chương Bạc với tiết mục Chầu Đệ Nhị tại Liên hoan hát Văn và Chầu văn do Bộ VHTT&DL tổ chức. Ông còn được nhận nhiều Bằng khen vì những cống hiến cho môn nghệ thuật dân gian này, tiêu biểu như: Bằng khen của Ban Chấp Hành Trung ương Hội Khoa Học Tâm Lý – Giáo Dục VN, Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp âm nhạc dân tộc Việt Nam của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Hiện NNƯT Trần Hữu Cạnh là Trưởng đoàn Nghệ thuật Dân ca ba miền thuộc Trung Tâm Thơ ca Việt và là Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng – Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Năm 2021, ông được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *