Nằm trong chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa-du lịch Hà Nội năm 2020”, các di tích lịch sử, văn hoá của Hà Nội đã đưa đến người dân và du khách những trải nghiệm, hoạt động thú vị, giới thiệu những gói tham quan kích cầu du lịch hấp dẫn ngay tại gian hàng của mình.
Tại quầy thông tin và trải nghiệm của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám được đặt tại khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, trước tượng đài Lý Thái Tổ, du khách có cơ hội để tìm hiểu những thông tin, hình ảnh về di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám và tham gia một số hoạt động trải nghiêm thú vị, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, khoa học tại di tích như: giáo dục di sản, khuyến học, triển lãm, hội thảo, kết nối dòng họ, các cuộc thi tìm hiểu về di sản…
Cũng tại đây, du khách có cơ hội tự tay in và mang về những bức tranh hoa văn cổ trên bia tiến sĩ với ý nghĩa tốt lành như: Lộ lộ liên hoa (đăng khoa liên tiếp); Chim hoàng tước đậu trên cành cúc (gia đình hạnh phúc); Hồi văn (phúc, lộc, vinh hoa, phú quý); Chim khách đậu cành mai (Hoa mai khoe nhị báo điềm tốt, chim khách trên cây báo điềm lành);…
Còn các bạn nhỏ sẽ được tham gia hoạt động tô màu các linh vật trên công trình kiến trúc cổ tại Văn Miếu, đồng thời tìm hiểu cách trò chuyện với các linh vật qua phần mềm…
Đặc biệt, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã mang đến những sản phẩm lưu niệm đặc trưng của di tích để giới thiệu tới du khách. Tất cả các sản phẩm đều được thiết kế với những hình ảnh, hoa văn hoặc hoạ tiết gắn liền với khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: Những sản phẩm lưu niệm cũng ưu tiên sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có sẵn trong tự nhiên, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại các làng nghề truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Những chất liệu vốn quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam như tre, gỗ, vải, gốm sứ… không chỉ thể hiện lối sống hài hòa với thiên nhiên mà còn hòa nhập với những xu hướng tiêu dùng mới hướng tới bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến trên thế giới. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một “đại sứ thương hiệu” của Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Còn tại quầy thông tin của di tích Nhà tù Hoả Lò, du khách sẽ được nghe giới thiệu những thông tin chính về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, các hoạt động đang được đơn vị tổ chức thực hiện. Trong thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 12/2020, đơn vị sẽ áp dụng các gói khuyến mại, combo hấp dẫn dành cho mọi đối tượng khách tham quan từ khách đoàn đến khách lẻ; giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của di tích. Đặc biệt, để giúp du khách tiếp cận thật gần với di tích trong khoảng thời gian ngắn, đơn vị sẽ cho chiếu liên tục 2 bộ phim ngắn giới thiệu về di tích, và, du khách được trải nghiệm, chụp ảnh với trang phục quần áo người tù của “Ngôi nhà Trung ương”.
Bên cạnh đó, những hoạt động như: Chương trình tham quan, trải nghiệm về đêm với tên gọi “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt”; Chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử; Chương trình sinh hoạt ngoại khóa…cũng được giới thiệu đến công chúng.
Ông Đặng Văn Biểu – Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Với mong muốn đưa di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành một điểm đến không thể bỏ qua, trong thời gian ba ngày tham dự lễ hội do Thành phố tổ chức, Ban Quản lý di tích đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị thực hiện rất chi tiết. Những hoạt động hấp dẫn, những hình ảnh sống động và những sản phẩm đặc trưng của di tích đều được đưa ra để giới thiệu đến du khách. Đặc biệt, thời điểm tham dự lễ hội này cũng chính là thời điểm đơn vị tổ chức một hoạt động tham quan, trải nghiệm mới lạ, đầy hấp dẫn với tên gọi Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt. Đơn vị hy vọng bằng nhiều hình thức hoạt động, nhiều cách tiếp cận công chúng, Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ được đặt trong lộ trình tham quan của không chỉ người dân Thủ đô mà còn của khách du lịch trong nước và quốc tế”.
Anh Thư
Theo MaskOnline