Hơn mười năm trước, ở thời điểm những loại hình nghệ thuật dân gian Bắc bộ nói chung và của Hà Nội nói riêng đã phần nào mai một qua nhiều thập kỷ và đứng trước nguy cơ thất truyền, những nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, nhạc sỹ tài năng của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã dày công tìm lại, phục dựng và hồi sinh âm nhạc truyền thống.
Nằm trong không gian cổ kính và linh thiêng của di tích đình – đền Hào Nam, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã trở thành một địa chỉ văn hóa, nơi giao lưu và sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của Thủ đô. Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (trực thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam) thành lập năm 2005 do GS.TS Phạm Minh Khang và nhạc sỹ Thao Giang dẫn dắt, với phương châm sưu tầm nghiên cứu, biểu diễn giới thiệu và đào tạo các loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian truyền thống.
Bằng tài năng và tâm huyết, các nghệ sĩ, nhạc sĩ Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng
Hồi sinh và quảng bá nghệ thuật dân gian
Ngay sau khi thành lập, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tập trung đi sâu vào hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng một số loại hình nghệ thuật dân gian có nguy cơ thất truyền. Các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ của Trung tâm đã hệ thống hóa toàn bộ tài liệu về nghệ thuật Hát Xẩm, Trống quân và một phần nghệ thuật Hát Văn, bao gồm các làn điệu, nhạc khí, văn học và môi trường diễn xướng. Các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã được giới thiệu trên các sân khấu, thu thanh, ghi hình để quảng bá tới khán thính giả. Từ năm 2010, chương trình nghệ thuật dân gian mang tên “Hà thành 36 phố phường” được biểu diễn nhân rộng tại các tuyến phố đi bộ Hàng Đào, Đồng Xuân với 12 buổi diễn/tháng, trung bình có trên 100 buổi diễn/năm, thu hút không chỉ khán giả Thủ đô mà còn có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã tổ chức thành công Liên hoan “Giọng hát mang âm điệu dân gian truyền thống Việt Nam – Mùa thu 2018” chào mừng Quốc khánh 2/9 và Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ 9.
Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc khôi phục và giới thiệu, quảng bá rộng rãi nghệ thuật hát Xẩm tới công chúng, đặc biệt là phục dựng và tổ chức ngày giỗ Tổ nghề hát Xẩm vào các ngày 22/2 và 22/8 âm lịch hàng năm, bắt đầu từ năm 2008 và đưa hát Xẩm trở thành chuyên nghành được đào tạo tại Học viện Âm nhạc Huế… Những nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ đã có công lớn trong quá trình phục hồi nghệ thuật hát Xẩm có thể kể đến GS.TS Phạm Minh Khang, nhạc sỹ Thao Giang, nhạc sỹ Hạnh Nhân, NSƯT Văn Ty, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thanh Bình, nghệ sĩ Lê Cường…
Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam kỷ niệm 10 năm thành lập
Lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống
Từ nhiều năm nay, rất nhiều người đã tìm các lớp học đàn và hát dân ca của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam để tìm hiểu, học hỏi về âm nhạc truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những lớp học nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, sáo, trống và hát ca trù, hát xẩm, hát văn, hát quan họ… của Trung tâm thu hút nhiều học viên ở mọi lứa tuổi. Tại đây, người học có thể tiếp cận với các loại hình nghệ thuật truyền thống theo cách tự nhiên nhất, gần gũi và dễ hiểu nhất. Đến nay, Trung tâm đã có hơn 40 câu lạc bộ văn nghệ dân gian hoạt động hiệu quả.
Các học viên trẻ với nhạc cụ dân tộc
Bên cạnh các lớp học quần chúng, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cũng mở các lớp đào đạo chính quy, liên kết với Học viện Âm nhạc Huế đào tạo nghiên cứu viên chuyên ngành “Đàn và Hát dân ca” ở bậc Đại học và Cao học. Khóa đầu tiên với 20 học viên đã tốt nghiệp Đại học năm 2015 với các chuyên ngành hát ca trù, hát văn, hát xẩm, quan họ và nhạc cụ truyền thống, trong đó có 6 học viên tiếp tục học Cao học khóa 2015 – 2017. Có 12 học viên được giữ lại làm lực lượng nòng cốt của Trung tâm. Tại đây, nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã trưởng thành như Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Khương Cường, Thu Phương, Vũ Đức Huy, Xuân Quỳnh…
Hơn 10 năm hoạt động, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ, Ngành như: Bằng khen của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch năm 2006; Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2007; Bằng khen Hội Di sản Việt nam và Bảo tàng các dân tộc Việt Nam năm 2002…
Với các hoạt động sưu tầm nghiên cứu, khôi phục, biểu diễn cũng như đào tạo giảng dạy, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần vào việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh những tinh hoa di sản âm nhạc dân tộc. quảng bá vị thế, nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt Nam với thế giới.
Minh Trang
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm