Khu phố cổ với những tuyến đường chạy ngang dọc, những ngôi nhà lô xô, mái ngói thâm nâu, tường vôi mốc rêu phong, đã in dấu, hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội… Những hình ảnh đã làm nên hồn cốt của thành phố nghìn năm tuổi tưởng […]
Khu phố cổ với những tuyến đường chạy ngang dọc, những ngôi nhà lô xô, mái ngói thâm nâu, tường vôi mốc rêu phong, đã in dấu, hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội… Những hình ảnh đã làm nên hồn cốt của thành phố nghìn năm tuổi tưởng như chỉ còn trong ký ức của những người Hà Nội xưa, nhưng việc ra đời của Trung tâm Giao lưu văn hoá Phố cổ Hà Nội, thế hệ trẻ Hà Nội đã có cơ hội cảm nhận những nét đẹp lãng mạn mà giản dị của một Hà Nội xưa.
Trung tâm Giao lưu văn hoá Phố cổ Hà Nội là dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) về bảo tồn di sản khu Phố cổ Hà Nội, chính thức được khai trương ngày 2-2-2015. Tuy mới chỉ đi vào hoạt động từ hơn một năm nay nhưng Trung tâm Giao lưu văn hoá Phố cổ Hà Nội đang là điểm đến hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách nước ngoài. Nằm trên con phố cổ kính tại 50 Đào Duy Từ, Hà Nội, Trung tâm không chỉ là nơi bảo tồn di sản văn hoá mà còn là địa điểm giao lưu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của phố cổ đến với công chúng.
Tách biệt giữa sự ồn ào của đô thị nhưng Trung tâm Giao lưu văn hoá Phố cổ không hề thiếu đi sức hấp dẫn đến từ truyền thống của văn hoá và lịch sử. Với sự giúp đỡ của các kiến trúc sư đến từ TP Toulouse (Pháp), công trình được xây mới, theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của không gian phố cổ. Công trình gồm: 3 tầng chính và 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn 1.265m2, trên diện tích đất 458m2. Hai tầng dưới được dành cho các hoạt động trưng bày, triển lãm. Tầng ba được thiết kế phù hợp với các hoạt động biểu diễn, hội nghị tọa đàm. Đúng với tính chất giao lưu, đây có thể coi là không gian mở, diễn ra các buổi thuyết trình, tọa đàm về văn hóa Hà Nội. Bên cạnh đó, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội còn tổ chức thêm các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống. Hoạt động này diễn ra định kỳ, được giới chuyên môn đánh giá cao, rất có ích trong tạo dựng những nét riêng của văn hóa phố cổ.
Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã tổ chức và diễn ra nhiều sự kiện hướng tới việc giới thiệu với du khách về hồn xưa, phố cổ như triển lãm “Hà Nội xưa”; “Kẻ chợ – phố cổ”; “Hà Nội – Một bảo tàng sống” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn; đặc biệt là chương trình “ Chuyện nhạc phố cổ”. “Chuyện nhạc phố cổ” được khôi phục theo lối diễn cổ truyền, các nghệ sĩ, nhạc công ngồi chiếu cói, đàn và hát mộc mà không có thiết bị hỗ trợ, không mi-crô, không loa phóng thanh… để gìn giữ vẻ đẹp của âm nhạc cổ truyền. Biểu diễn tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, một sân khấu cổ tương đối toàn vẹn, lối diễn cổ truyền này càng có cơ hội phô diễn toàn bộ vẻ đẹp của mình. Đây là một sân khấu mộc trong lòng phố cổ, có từ rất lâu đời và là nơi biểu diễn của rất nhiều gánh hát của Thăng Long-Hà Nội xưa. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc khơi dậy và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa cổ Thăng Long-Hà Nội xưa.
Những ngày cuối tuần, Trung tâm mở cửa đến tận 22 giờ. Ba ngày mở cửa buổi tối trùng với ba ngày diễn ra hoạt động của phố đi bộ nên rất đông khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ. Trung tâm không chỉ là nơi bảo tồn di sản văn hóa mà còn là nơi quảng bá nét văn hóa phố cổ Hà Nội đến với công chúng và khách tham quan, đặc biệt là những du khách nước ngoài. Bên cạnh những bức ảnh được trưng bày tại đây đều được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, trung tâm còn có hướng dẫn viên có chuyên môn về ngoại ngữ, giúp du khách hiểu thêm về văn hóa Hà Nội một cách chân thực, sống động.
Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội thực sự là một không gian phục vụ hoạt động công cộng quý giá, điểm dừng nghỉ thư giãn hiếm hoi và rất có ý nghĩa, góp phần tích cực vào việc quảng bá giá trị văn hóa phố cổ.
Du khách tham quan triển lãm tại Trung tâm
Khu trưng bày tại Trung tâm
Nguyễn Ngọc