Sân khấu

NSND Quốc Chiêm: Hà Nội đã chắp cánh cho tôi trên con đường nghệ thuật

Tôi, để có được như hôm nay đã được sự giúp đỡ, cổ vũ rất nhiều từ phía các thầy dạy của mình, của những thế hệ nghệ sĩ đi trước như Trần Huyền Trân, Bùi Trọng Đang, Năm Ngũ, Dịu Hương, Lệ Hiền, Thúy Lan….

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên, không so sánh sao được khi mà tất cả những diễn viên, nhiều thế hệ khác nhau, ở nhiều thời điểm, địa điểm khác nhau đã thể hiện vai diễn hoàng tử Pơliêm trong vở chèo Nàng Sita và không ai vượt nổi cái bóng của người nghệ sĩ đã đóng vai trước đó – NSND Quốc Chiêm. Nơi anh sinh ra là đất chèo Đông, trong tứ chiếng chèo nổi tiếng của miền Bắc, và cha anh, ông bà anh là những nghệ sĩ chèo không chuyên của cái nôi chèo ấy.

vnm2012485615

IMG3293

Nghệ sĩ ND Quốc Chiêm và nghệ sĩ Lâm Bằng, tái hợp trong vở chèo đình đám một thời ” Nàng Sita”

Dù đã qua mấy chục năm , nhưng vai diễn để đời của anh vẫn là hiện tượng có một không hai trong sân khấu chèo Việt Nam. Vai diễn ấy đã in dấu trong lòng bao lớp khán giả, để hễ có dịp  là họ háo hức đến,  xem lại bằng được Hoàng tử Pơ Liêm do NSND Quốc Chiêm diễn. Nhân kỷ  niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát, Nhà hát chèo Hà Nội đã công diễn lại 6 vở chèo kinh điển và những vở kịch của Lưu Quang Vũ, trong đó có vở Nàng Sita. Khán gỉa kéo đến rạp đông tới mức  không đủ chỗ. Và Pơ Liêm của ngày xưa đã trở lại.  Vẫn giọng hát thổ đồng say mê lòng người, với ngoại hình đẹp, sang trọng, diễn xuất tốt, lôi cuốn khán giả…như thuở anh mới đôi mươi, thời anh được mệnh danh là “Hoàng tử của 3 nước Đông Dương” trên sân khấu chèo. Quốc Chiêm thành công với rất nhiều vai diễn,  nhưng chủ yếu là các vai Hoàng Tử, Vua Chúa . Anh được người xem nhớ nhất là các vai Hoàng tử Pơ Liêm trong vở Nàng Si Ta, vai Hoàng tử Pônuvông trong vở Mối tình ĐuôngNali, vai Hoàng tử trong vở Tấm Cám; vai Vua Lý Thánh Tông trong vở Lý Thường Kiệt, vai Vua Lý Công Uẩn trong vở kịch cùng tên, v.v… Hình như Quốc Chiêm sinh ra là để làm Vua và Hoàng tử trên sân khấu vậy.

Đầu năm 2016, Hoàng tử Pơ Liêm – Nghệ sĩ Quốc Chiêm đã vinh dự được đón nhận danh hiệu NSND. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng Nghệ sĩ.

IMG6399

Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Chiêm

PV. Chào anh, anh có thể chia sẻ với độc giả đôi chút về danh hiệu NSND do Nhà nước trao tặng.

NSND Quốc Chiêm: Danh hiệu NSND là mong ước lớn nhất, cao nhất mà mỗi nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu đều  hướng đến. Đạt được danh hiệu này là niềm vinh dự, tự hào vì sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cống hiến cho nghệ thuật của người nghệ sĩ.  Cá nhân tôi khi nhận được danh hiệu này càng thấy mình càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Tôi, để có được như hôm nay đã nhận được sự giúp đỡ, cổ vũ rất nhiều từ phía các thầy dạy của mình, của những thế hệ nghệ sĩ đi trước như Trần Huyền Trân, Bùi Trọng Đang, Năm Ngũ, Dịu Hương, Lệ Hiền, Thúy Lan…. Tôi cũng rất cám ơn cha mẹ mình đã ủng hộ tôi đi theo nghiệp chèo, nối tiếp truyền thống cha ông – quê hương Thái Bình, nơi tôi sinh ra. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời dặn của cha mình khi tôi chuẩn bị bước chân lên Hà Nội , học trường Sân khấu Điện ảnh: Nếu đi mà không thành tài thì thà về nhà cày ruộng còn hơn. Lời dạy của cha đã làm động lực to lớn cho tôi phấn đấu. Tôi cũng cảm ơn Thủ đô Hà Nội đã cho tôi thỏa sức đua tài, để có ngày hôm nay.

PV: Anh có dự định riêng gì sau khi nhận danh hiệu NSND?

NSND Quốc Chiêm: Sân khấu là con đường tôi đã lựa chọn và nguyện gắn bó cả cuộc đời,  nên những gì tôi làm vẫn không ngoài lĩnh vực này. Sắp tới, có thể tôi sẽ viết một cuốn sách nghiên cứu sâu về sân khấu chèo, hát chèo, diễn chèo bằng những kinh nghiệm mà mình được truyền dạy, đã được trải nghiệm.

PV: Vừa là người lãnh đạo khối nghệ thuật, vừa là nghệ sĩ, anh cân bằng 2 lĩnh vực này như thế nào?

NSND Quốc Chiêm: Tôi tự phân lịch cho mình một cách khoa học, hợp lý. Nhưng quan trọng hơn cả là niềm đam mê nghệ thuật đã giúp tôi vượt qua những vất vả trong công việc. Ngoài quản lý hoạt động nghệ thuật ở Sở VH&TT, tôi còn là giảng viên sân khấu, làm chủ nhiệm nhiều khóa của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

PV:Anh nghĩ sao về việc ngày nay khán giả thờ ơ với nghệ thuật truyền thống?

NSND Quốc Chiêm: Không hẳn là khán giả ngày nay thờ ơ với nghệ thuật truyền thống. Bằng chứng là đợt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập của Nhà hát chèo Hà Nội và việc công diễn các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, khán giả đến rạp không đủ chỗ, phải ngồi ghế nhựa hoặc chen chúc đứng ở 2 bên lối đi. Tuy nhiên ngày nay có nhiều kênh, nhiều hình thức giải trí nên rất khó khăn cho các loại hình nghệ thuật truyền thống hoạt động. Để kéo khán giả đến xem kịch, đòi hỏi phải có kịch bản tốt, diễn viên giỏi. Diễn viên giỏi quan trọng hơn cả. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng nhiều nghệ sĩ, diễn viên không chuyên tâm với nghề, không chịu khổ luyện để thành công, theo hướng “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nên nhiều khán giả thờ ơ với sân khấu cũng là điều dễ hiểu.

PV: Thưa anh, định hướng của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với việc bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống và với lĩnh vực nghệ thuật nói chung trong thời gian tới?

NSND Quốc Chiêm: Chúng tôi vẫn tiếp tục quan tâm, đầu tư cho việc bảo tồn sân khấu truyền thống nhất là chèo, cải lương và loại hình nghệ thuật dân gian như ca trù, rối nước,  đàn dân tộc, với nhiều dự án sân khấu như dự án Sân khấu học đường, dự án Cây đàn bầu để truyền bá nghệ thuật  truyền thống đến thế hệ trẻ, qua đó tuyển chọn được nhiều tài năng cho Thủ đô. Tuy nhiên về lâu dài Sở VHTT Hà Nội sẽ thực hiện việc xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật theo định hướng của Nhà nước và Thành phố, để các đơn vị nghệ thuật được tự chủ hoạt động. Hiện có một số Nhà hát của Hà Nội đã sống được bằng nghề, sống đàng hoàng nữa là đằng khác, như Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Chèo Hà Nội.

P.V. Vâng, xin cảm ơn NSND Quốc Chiêm đã trả lời cuộc phỏng vấn này!

Phạm Thanh Quy

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *