Hơn nửa thế kỷ gắn bó với đàn bầu, NSND Thanh Tâm đã mang tiếng đàn dân tộc đi khắp năm châu, đồng thời trao truyền tình yêu, niềm đam mê với âm nhạc truyền thống đến nhiều thế hệ học trò. Bà cũng chính là nữ nghệ sĩ đầu tiên được phong danh hiệu NSƯT rồi NSND với loại nhạc cụ này.
NSND Thanh Tâm tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Tâm, còn có nghệ danh là Tử Kỳ hay Hoài Anh. Bà sinh năm 1953, người làng Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Say tiếng đàn bầu từ thuở còn thơ, 13 tuổi, cô bé Thanh Tâm lựa chọn học loại nhạc cụ được coi là khó nhất trong số những nhạc cụ truyền thống. Ngày đó, có rất ít con gái theo học đàn bầu và nếu có thì cũng chẳng mấy ai có thể trụ lại đến cùng. Thế nên bà là “của hiếm” của bộ môn này. NSND Thanh Tâm tốt nghiệp Trung cấp (1971), tiếp tục học Đại học (1978-1981) rồi trở thành giảng viên nòng cốt của chuyên ngành đàn bầu và nguyên là Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Lắng tai nghe đàn bầu
Ngân dài trong đêm thâu
Tiếng đàn như suối ngọt
Cứ đưa hồn lên cao.
Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm như giọng cha…
(“Đàn bầu” – Lữ Giang)
Đàn bầu song hành cùng NSND Thanh Tâm trong suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ.
Theo NSND Thanh Tâm, cây đàn một dây có ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đều ở mức độ khá đơn sơ, chỉ duy nhất có đàn bầu của Việt Nam là phát triển đến trình độ cao trong âm nhạc với kỹ thuật diễn tấu vô cùng đa dạng. Đàn bầu là nhạc cụ thuần Việt nhất trong các loại nhạc cụ truyền thống, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, trong tâm thức người Việt, đàn bầu chính là hồn cốt, là tiếng lòng dân tộc. Đàn bầu tấu lên những hỷ, nộ, ái, ố trong mỗi con người. “Độc huyền cầm” khi trầm lắng, lúc lại thánh thót, ngân nga, luyến láy, thể hiện đầy đủ và phong phú nhất những cung bậc cảm xúc của người Việt. NSND Thanh Tâm luôn tâm niệm rằng việc bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị của đàn bầu không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của những người nghiên cứu, giảng dạy, biểu diễn và học đàn bầu.
Tiếng đàn bầu của NSND Thanh Tâm nổi tiếng với những tác phẩm: “Cung đàn đất nước” (NSND Xuân Khải); “Vũ khúc Tây Nguyên” (Đức Nhuận); “Ru con” (dân ca Nam Bộ)… NSND Thanh Tâm là nghệ sỹ đầu tiên ra đĩa về thể loại âm nhạc dân tộc. Đĩa CD cá nhân mang tên “Tiếng đàn bầu Thanh Tâm” được NXB Âm nhạc thu âm và phát hành đã trở thành một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất trong những năm 1990.
NSND Thanh Tâm đã biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn trong và ngoài nước, với tiếng đàn giàu tình cảm, kỹ thuật điêu luyện, để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Bà cũng từng vinh dự có cơ hội được trình diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng phu nhân tới thăm Việt Nam, trong các yến tiệc cấp Nhà nước thết đãi Thủ tướng Nga V.Putin, Chủ tịch nước Công hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào…
NSND Thanh Tâm (áo xanh, ngồi giữa) cùng các nghệ sỹ trình diễn trong một chương trình nghệ thuật dân tộc.
Trong suốt sự nghiệp giảng dạy, NSND Thanh Tâm đã nghiên cứu, biên soạn và đồng biên soạn nhiều giáo trình, giáo án cho đàn bầu ở các cấp học cũng như sưu tầm, tổng hợp các tác phẩm như: “Đàn bầu cho tuổi học đường” (tập 1, tập 2); “Tuyển tập bài tập kỹ thuật cho đàn bầu” (tập 1, tập 2); “Tuyển tập dân ca, ca khúc và tác phẩm nước ngoài chuyển soạn cho đàn bầu độc tấu”; “Sách học đàn bầu”, “Tiếng đàn bầu”…
Đã có rất nhiều học trò của NSND Thanh Tâm trưởng thành và thành danh với đàn bầu cũng như những loại hình nghệ thuật khác như: NSND Hoàng Anh Tú, NSND Thái Bảo, NSƯT Lệ Giang, NSƯT Bùi Lệ Chi, NSƯT Đăng Dương… NSND Thanh Tâm cũng đã truyền nối niềm đam mê với cây đàn bầu cho chính người con trai duy nhất – nhạc sĩ, nghệ sỹ Hồ Hoài Anh. Hiện tại, anh cũng là giảng viên bộ môn đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trọn cuộc đời dành cho nghệ thuật, NSND Thanh Tâm sở hữu cho mình một bộ sưu tập với rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, tiêu biểu như: Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu Cuộc thi Âm nhạc và Múa dân gian tại Dijon (Pháp) năm 1993; 3 cúp vàng, 3 cúp bạc tại Liên hoan Nghệ thuật quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng – CHDCND Triều Tiên năm 1995, 2003, 2005; Huy hiệu “Người biểu diễn xuất sắc” do Cộng hòa Liên bang Đức tặng năm 1976; Huân chương Lao động hạng Ba (2008); Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin. Với những đóng góp trong biểu diễn và giảng dạy đàn bầu, bà đã được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993 và NSND năm 2007.
NSND Thanh Tâm đã và đang tiếp tục cuộc hành trình dài của cuộc đời mình với cây đàn bầu, để những cung thanh, cung trầm của tiếng đàn dân tộc mãi ngân vang…
Bảo Minh
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm