Vui chơi - Giải trí

‘Nữ ca sĩ hói đầu’ tiếp tục diễn ở Nhà hát Chèo Việt Nam

Sau những đêm diễn đầu tiên ở Trung tâm Văn hóa Pháp, trái với lo ngại của nhiều người về một dòng kịch kén khách, vở kịch phi lý đầu tiên trên sân khấu Việt này lại “đắt khách” không ngờ. Có lẽ vì thế mà đạo diễn Trần Lực tự tin tiếp tục đưa vở diễn tới với khán giả đại chúng với hy vọng sân khấu kịch sẽ ‘cạnh tranh” được với các loại hình giải trí thời thượng khác.

Sau những suất diễn đầu tiên đều “cháy vé” tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 20h ngày 16/3 & 23/3 ê kíp LucTeam tiếp tục đưa vở Nữ ca sĩ hói đầu lên “chiếu chèo” của Nhà hát chèo Kim Mã – nơi có thiết kế sân khấu kiểu truyền thống rất phù hợp với phong cách ước lệ – biểu hiện mà đạo diễn Trần Lực và ê kíp của mình đang theo đuổi. Trái với lo ngại của nhiều người về một dòng kịch kén khách, vở kịch phi lý đầu tiên trên sân khấu Việt này lại “đắt khách” không ngờ với ba buổi biểu diễn đều chật kín khán giả, có những khán giả xem tới hai, ba lần. Có lẽ vì thế mà đạo diễn Trần Lực tự tin tiếp tục đưa vở diễn tới với khán giả đại chúng với hy vọng sân khấu kịch sẽ ‘cạnh tranh” được với các loại hình giải trí thời thượng khác.

Vì sao ‘Nữ ca sĩ hói đầu’ hút khách?
Khi biết Trần Lực dựng kịch phi lý, ngay cả NSND Lê Khanh và NSƯT Trung Anh – những người bạn thân thiết của anh trong nghề – cũng hoài nghi. NSND Lê Khanh tiết lộ, chị và NSƯT Trung Anh đều được đạo diễn Trần Lực mời cộng tác nhưng cả hai đều nghi ngờ, bởi họ “không thể tưởng tượng được khán giả sẽ tiếp nhận dòng kịch phi lý này như thế nào. Với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy hấp dẫn nhưng khán giả có chấp nhận không?”.
Nhưng đến khi xem xong buổi biểu diễn đầu tiên, Lê Khanh đã “yên tâm về những gì diễn ra trên sân khấu sẽ thu hút được khán giả” và thậm chí sau đó chị còn tham gia một vai diễn trong đó – vai bà Smith.

Đạo diễn Trần Lực lần đầu đưa kịch phi lý lên sân khấu

Vậy đâu là yếu tố khiến Nữ ca sĩ hói đầu hút khách, có khán giả còn xem tới hai, ba lần?
Lý giải điều này, đạo diễn Trần Lực cho rằng vở kịch là sự pha trộn giữa nhiều yếu tố, giữa một thể loại kịch được coi là đỉnh cao của phương Tây và nghệ thuật biểu hiện – ước lệ của Á Đông khiến cho nó rất khác biệt.
Là dòng kịch lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt Nam, nó “chống” lại kịch truyền thống bởi xem xong, khán giả sẽ thoát khỏi sự nhàm chán của thể loại kịch vốn quen thuộc với họ bấy lâu nay. Được pha trộn vừa đủ yếu tố hài hước, Nữ ca sĩ hói đầu thu hút khán giả trước tiên nhờ yếu tố này.

Tuy chỉ là những câu chuyện không đầu không cuối, những màn đối thoại “ông chẳng bà chuộc” nhưng xem xong, ẩn đằng sau những câu chuyện tưởng như “tào lao” ấy là những thông điệp về cuộc sống, là những thứ mà chúng ta cảm giác nó luôn tồn tại đâu đó trong cuộc sống. Bởi vậy mà với dòng kịch này, tắt đèn hạ màn kịch chưa hết mà vẫn tiếp tục diễn ra trong trí tưởng tượng của khán giả.


Kịch phi lý thu hút bởi những điều phi lý nằm chính trong cuộc sống của chúng ta. Ngôn ngữ sân khấu là một thứ ngôn ngữ ước lệ – biểu hiện đậm chất Á Đông. Đúng như phương pháp sân khấu này, khi xem khán giả sẽ có cảm giác được trở về với những gì hồn nhiên nhất vì bản thân câu chuyện rất đơn giản.
Trần Lực chia sẻ: “Muốn làm được một sản phẩm nghệ thuật như vậy, bản thân người nghệ sĩ cũng phải nuôi dưỡng sự hồn nhiên ngây thơ, tin yêu vào cuộc sống này. Sự hồn nhiên ngây thơ có thể khiến chúng ta trở nên bất thường. Một Giám đốc nghệ thuật như tôi nếu không có sự hồn nhiên ngây thơ ấy sẽ không tồn tại được với sân khấu này. Khi mọi thứ đều được tối giản, từ kịch bản, thiết kế sân khấu, ánh sáng, phục trang thì diễn xuất của diễn viên cũng phải đạt đến trình độ cực kỳ hồn nhiên và ngây thơ để tin vào thế giới mà nhân vật của họ đang sống. Sự hồn nhiên ngây thơ ấy đánh vào góc khuất trong tiềm thức của khán giả, tưởng như đã ngủ quên bởi vô số những niêm luật của cuộc sống gò chúng ta vào những bổn phận. Tại sao khán giả lại thích xem đi xem lại? Vì mỗi buổi biểu diễn là một, là duy nhất!”.

Kịch phi lý thu hút bởi những điều phi lý nằm chính trong cuộc sống của chúng ta

Đạo diễn Trần Lực đánh giá rất cao phần thiết kế kỹ thuật của họa sĩ George Burchett. Anh cho rằng người phương Tây rất thực tế, thiết kế sân khấu bằng những chất liệu cứng tạo hiệu ứng đặc biệt, màu đen chiếm phần lớn sân khấu tạo một sân khấu huyền bí với một chiếc tủ. Cuộc sống là vậy, ta bị nhốt hoặc tự nhốt mình trong những chiếc tủ, cả một không gian nặng, mạnh, bí hiểm tạo cảm giác ngợp, hút khán giả vào. Nhân vật chui vào tủ, rồi từ tủ chui ra, tưởng mình đã thoát ra khỏi không gian tù túng ấy đâu ngờ lại rơi vào một không gian chật hẹp cứng nhắc khác. Sân khấu đương đại phải đưa người xem đến những tưởng tượng. Trần Lực nói: “Với tôi, sân khấu là một loại hình giải trí khác biệt ở chỗ ấy. Quan trọng là diễn trực tiếp tạo ép phê rất mạnh. Nhiều khán giả đi xem lại lần hai, lần ba, tuy họ biết câu chuyện rồi nhưng vẫn xem tiếp là bởi họ vẫn tò mò về những gì diễn ra trên sân khấu, khi xem lại họ sẽ càng hiểu hơn và nhận ra nhiều tầng ý nghĩa đằng sau. Hơn nữa, nghệ sĩ sân khấu diễn mỗi buổi một khác tùy thuộc theo tâm trạng, sự tung hứng với bạn diễn và tương tác với khán giả. Một tác phẩm sân khấu có thể diễn từ năm này sang năm khác là vì thế”.

Khi xem, khán giả sẽ thoát khỏi sự nhàm chán của thể loại kịch truyền thống

Mỗi lần diễn là một lần mới mẻ

Đạo diễn Trần Lực cho biết, lần này, NSND Lê Khanh lại tiếp tục diễn vai bà Smith thay cho diễn viên trẻ Ngọc Trâm. Anh lý giải thay diễn viên luôn là một sự cần thiết để làm mới vở diễn, tạo cơ hội cho nghệ sĩ khai thác khả năng của họ: “ Ở thể loại kịch ước lệ – biểu hiện, ngôn ngữ hình thể rất quan trọng, nhân vật nghĩ gì, tâm trạng thế nào đều biểu hiện qua ngôn ngữ hình thể. Nếu chỉ quen diễn kịch hiện thực tâm lý thì rất khó để nhập cuộc nhưng Lê Khanh không chỉ là một diễn viên tài năng mà còn là người chịu khó học và tiếp thu cái mới nên “thấm” rất nhanh. Không chỉ chú trọng hình thể, kịch phi lý còn nhấn mạnh vào thoại, những câu thoại giúp diễn viên bộc lộ cá tính, giao tiếp và đưa đẩy câu chuyện. Thoại của bà Smith “không giống ai” nên việc sử dụng đài từ là mấu chốt. Lê Khanh quá giỏi khi sử dụng đài từ!
Nếu Ngọc Trâm cho thấy một bà Smith rất “tăng động” luôn ngơ ngác với thế giới xung quanh đúng như nhiệt huyết của tuổi trẻ mà cô ấy đang có thì ngược lại, Lê Khanh sang trọng, hờ hững, ngây thơ một cách từng trải. Cách mà chị chậm rãi, ê a với những lời thoại tạo nên một bà Smith khác hẳn.
Là người rất tôn trọng sáng tạo của diễn viên, đạo diễn Trần Lực rất hài lòng với sự khác biệt rõ nét của hai vai diễn này: “Tôi thích cả sự tăng động ngơ ngác của Ngọc Trâm lẫn sự ngơ ngẩn ê a của Lê Khanh. Họ đã tạo ra những phiên bản rất thú vị của nhân vật bà Smith. Nếu với Trâm nhân vật này xuất hiện như là để thưởng thức những cung bậc khác nhau của cuộc sống thì với Lê Khanh, khán giả lại được chiêm nghiệm cuộc sống theo một cách đằm sâu hơn”.

“Sân khấu không chết!”

Cho đến nay, LucTeam dã cho ra mắt ba vở kịch và điều đáng mừng là suất diễn nào cũng chật kín khán giả, thậm chí “cháy vé”. Là người rất thực tế, đạo diễn Trần Lực nhìn nhận: “Tôi khẳng định rằng sân khấu không chết, chỉ là chúng ta – những nghệ sĩ lười biếng không hết mình vì sân khấu. Sân khấu là nghệ thuật đỉnh cao nên nó có sự khác biệt. Khi phải cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác, nó có tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng, sự hấp dẫn rất riêng!”.


Là “con nhà nòi”, đạo diễn Trần Lực được hít thở bầu không khí của nghệ thuật sân khấu từ nhỏ, bởi vậy mà anh rất yêu sân khấu. Điều khiến anh muốn gắn bó máu thịt với sân khấu chính là bởi “khi làm sân khấu, tôi được sống với bản năng nguyên thủy nhất, được trở thành một đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ. Mỗi lần cầm một kịch bản mới lên đọc là lại cảm giác mình như trang giấy trắng. Thấy cuộc đời hay và đẹp thế. Thấy mình có thể tha hồ tưởng tượng và mỗi khi ngắm khán giả xem kịch trong khán phòng, tôi cảm giác hình như họ cũng có cảm nhận giống như tôi vậy. Và chính sự khác biệt sẽ quyết định sự tồn tại của sân khấu này: khán giả sẽ được giải phóng tâm hồn mình với một tâm trí hết sức hồn nhiên!”.

Lần này đưa vở diễn về Nhà hát chèo Kim Mã, Trần Lực cho biết anh rất thích sân khấu của nhà hát chèo vì nó “mở” – rất phù hợp với sân khấu kịch ước lệ – biểu hiện, khán giả có thể ngồi quây quần xem vở diễn với sự tương tác là yếu tố quan trọng hàng đầu. Sân khấu chỉ có thể hấp dẫn khán giả khi người nghệ sĩ phá vỡ được bức tường vô hình ngăn cách giữa họ và khán giả, giữa khán giả và sân khấu.
Anh bộc bạch: “Tôi cũng giống như các nghệ sĩ sân khấu khác, khi làm kịch ước lệ – biểu hiện là tôi đang kể một câu chuyện với sự phân thân. Một nửa tôi hóa thân vào nhân vật, nửa kia rất tỉnh táo hiểu rằng tôi đang diễn nhân vật đó. Nhờ vậy mà tôi có thể nhìn thẳng vào khán giả để trao đổi, để gần gũi và để lôi cuốn họ cùng hòa vào vở kịch như một nhân vật. Bởi vậy mà vừa làm kịch, tôi vừa phải tìm cách để lôi kéo và níu giữ khán giả ở lại với sân khấu này. Để đi đường dài cùng kịch, đã đến lúc tôi phải tìm một điểm diễn cố định cho LucTeam để biến nó thành một điểm hẹn hò với khán giả, để lên lịch diễn cố định và tạo thành một thói quen thưởng thức cho họ. Hơn một năm qua, tôi dò dẫm tìm đường, làm phép thử khá liều lĩnh xem phong cách, phương pháp sân khấu này có được sự ủng hộ của khán giả không, nó có hấp dẫn đủ để cạnh tranh được hay không. Hay dở tôi không dám bàn, chỉ biết chắc chắn rằng nó “khác biệt”. Và khác biệt chẳng phải là yếu tố đầu tiên quyết định sự tồn tại hay sao?

Vân Nguyễn

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *