Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện “Quy tắc ứng xử nơi công cộng”, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình sáng tạo. Ông Lưu Minh Bàn, thương binh 4/4, Tổ trưởng TDP 21, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy hàng ngày đạp xe đến từng ngõ ngách để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Nhờ cách làm sáng tạo, ông đã đưa Quy tắc tới từng người dân, tạo ra những thay đổi tích cực trên địa bàn trong giữ gìn vệ sinh môi trường, chấp hành Luật giao thông đường bộ, ứng xử, giao tiếp với nhau hàng ngày. Ông là người vinh dự được trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp thành phố năm 2019.
Ông Bàn vốn là lính lái xe Đoàn 559. Từng vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, nếm trải những vất vả của bộ đội thời chiến, ông Bàn thuộc mẫu người miệng nói tay làm. “Tôi là người cực kỳ may mắn vì được trở về sau khi đất nước liền một dải, non sông ca khúc khải hoàn, đồng đội tôi, rất nhiều người đã mãi mãi ra đi”, ông Bàn rưng rưng. Tự coi mình là người may mắn nên sau 6 năm sau khi nghỉ hưu, dành thời gian phát triển kinh tế gia đình, ông Bàn lại dành nhiệt huyết cho công việc “vác tù và hàng tổng”. Hiện nay, ông đảm nhận khoảng 14 đầu việc, tiêu biểu như: Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP, Phó Ban Thanh tra Nhân dân phường Nghĩa Đô, Đội trưởng Đội Phòng cháy chữa cháy phường, Tổ phó Tổ bảo vệ dân phố số 7, Đội dân phòng chuyên trách phường, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Hội viên CLB chống cướp giật…Nhiều việc, nhưng việc nào ông Bàn cũng hoàn thành tốt bởi ông biết cách sắp xếp khoa học, lên kế hoạch cụ thể cho từng việc.
Với ông, dường như không có chuyện làm qua loa, làm cho xong mà ông luôn đòi hỏi, luôn tự mình đặt ra yêu cầu cao hơn: Phải làm tốt, làm thật hiệu quả việc đó. Chính vì vậy, khi thành phố ban hành “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ông Bàn đã có ý tưởng riêng để Quy tắc vào cuộc sống. “Quy tắc bao gồm những việc nên làm, không nên làm, có nghĩa là trông cậy vào sự tự giác, ý thức trách nhiệm của mỗi người. Để người dân tự giác làm thì bản thân họ phải hiểu, phải nắm chắc các nội dung của Quy tắc. Vậy thì mình phải tuyên truyền thế nào để người dân nắm được Quy tắc mà thực hiện” – ông Bàn chia sẻ.
Sau khi suy nghĩ, ông Bàn quyết định dùng xe đạp để đi tuyên truyền bởi xe đạp phù hợp với địa hình ngõ nhỏ, đường hẹp và cũng tạo nên hình ảnh gần gũi, thân thuộc với người dân. Với chiếc xe đạp được cấp (cho công tác bảo vệ dân phố), đằng sau buộc chiếc loa lưu động, hơn 2 năm nay, ông len lỏi vào tất cả các ngõ ngách để tuyên truyền các nội dung Quy tắc, phát tờ rơi đến từng hộ dân để nhắc nhở mọi người không bán hàng rong, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, giữ gìn vệ sinh môi trường, vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định, ứng xử có văn hóa…Không quản ngày nắng, ngày mưa hay ngày nghỉ, ông kiên trì mang nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng đến mọi người, mọi nhà, ân cần nhắc nhở mọi người tuân thủ nghiêm những việc nên làm, không nên làm ở nơi công cộng. Cũng với chiếc xe đạp ấy, khi thực hiện nhiệm vụ của Tổ phó tổ bảo vệ dân phố số 7, khi dừng xe ở các điểm đèn xanh đèn đỏ, ông Bàn lại bật loa để tuyên truyền về Quy tắc ứng xử nơi công cộng khi tham gia giao thông…Ông cũng không quên nhắc nhở những trường hợp chưa gài quai mũ bảo hiểm hoặc dừng xe quá vạch kẻ đường…
Thời gian đầu thực hiện Quy tắc, trên địa bàn tổ 21 có một số điểm vứt rác bừa bãi, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường, sau khi đi tuyên truyền một lượt, ông về nhà cất xe đạp, mang xe máy ra ngồi “canh” cả ngày, hễ thấy ai mang rác ra vứt là nhắc nhở, yêu cầu người đó mang rác về, khi nghe thấy tiếng kẻng thì mới mang ra đổ. Nhờ sự kiên trì nhưng cũng đầy kiên quyết của ông Bàn, địa bàn Tổ 21 đã trở nên sạch đẹp, không còn điểm tồn đọng rác thải. Nhiều người bảo, đó là “nhờ công ông Bàn”.
Là Tổ trưởng Tổ hòa giải, khi tham gia hòa giải những vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, không chỉ phân tích cơ sở pháp lý, giúp mỗi bên nhận rõ đúng, sai, ông Bàn còn lựa lời nhắc nhở các bên về thái độ ứng xử sao cho có văn hóa, lời nói cho chuẩn mực, hạn chế việc nói tục, chửi bậy, gây mất trật tự nơi công cộng…
Những đóng góp của ông Bàn đã góp phần thiết thực đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi tích cực trên địa bàn. Sáng kiến trong tuyên truyền, vận động nhân dân của ông được lãnh đạo quận Cầu Giấy đánh giá cao, bà con nhiệt tình ủng hộ. Với ông Bàn, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn khiến ông thêm tâm huyết, trách nhiệm hơn với công việc được giao.
Minh Huệ
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm