Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” nhằm tiếp tục phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong […]
Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” nhằm tiếp tục phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện.
Trong những năm qua, nhiều chính sách và chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước về thực hiện quyền trẻ em nói chung và giải quyết tình trạng xâm hại trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em trở thành vấn đề xã hội nóng cần quan tâm giải quyết.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay được tổ chức vào tháng 6, trùng với thời điểm Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực. Luật Trẻ em năm 2016 bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là quy định về bảo vệ trẻ em. Theo đó, Bộ LĐ-TBXH sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 và các hoạt động truyền thông khác như: Truyền thông về Luật Trẻ em, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời tổ chức các chiến dịch truyền thông và phổ biến cho cộng đồng, gia đình, nhà trường, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, hướng dẫn áp dụng các hình thức kỷ luật đối với trẻ em…Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng, phổ biến các khẩu hiệu, thông điệp, phóng sự, video clip và các tài liệu về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Phối hợp với các ban, ngành và cơ quan thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi về hoạt động chống báo lực, xâm hại trẻ em; Trang bị kiến thức cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội và trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em…
Các hoạt động trong Lễ phát động cần được triển khai trên tinh thần thiết thực, trọng tâm đến đối tượng trẻ em, tránh hình thức và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Dự kiến, Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội, vào cuối tháng 5 năm 2017 với sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành.
Minh Đạt