Sự kiện

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa, xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

Sáng 21/3, thành phố Hà Nội chủ trì, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại””, nhằm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành uỷ Hà Nội về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Toàn cảnh Hội thảo

Dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Về phía khách mời, dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Phó Giáo sư, tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên…; cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của nhà nước Âu lạc vào đầu thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) như Thủ đô Hà Nội. Mỗi người dân Hà Nội và chúng ta luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”.

Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”…, thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.

“Chúng ta đều biết, văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô. Trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh” – Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị,  Bí thư Thành ủy,  Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội  thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 03 lĩnh vực: y tế, giáo dục – đào tạo và văn hoá giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp Thành phố.

Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 17. Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần đổi mới quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Hội thảo là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn Thành phố. Để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng mong muốn: “Với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia về văn hóa học, văn hóa Hà Nội ở cả trong và ngoài nước. Thành phố Hà Nội mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các quý vị đại biểu, đóng góp cho thành công của Hội thảo. Qua Hội thảo này, Thành phố sẽ có thêm nhiều sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, có thể sánh ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề, bao gồm: Thứ nhất: Luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại; Vị trí, vai trò đặc biệt của văn hoá Thăng Long – Hà nội, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Thứ hai: Nhận diện các nguồn lực Văn hoá: Luận cứ khoa học và thực tiễn, các giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long – Hà Nội, chuyển hoá nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn văn hoá để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Kiểm đếm, đánh giá, số hoá di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hình thành nguồn tài nguyên nhân văn, để cùng với nguồn tài nguyên số là những nguồn tài nguyên của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có giá trị và quan trọng nhất cho phát triển xanh, phát triển bền vững.

Thứ ba: Các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. Phát triển Hà Nội thành Thủ đô thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư: Các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Trong đó đặc biệt là các giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo, bên cạnh không gian chính của Hội thảo, còn có không gian văn hóa trải nghiệm bao gồm một số không gian văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội; không gian trưng bày một số sản phẩm nghề truyền thống tinh xảo, mang đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội; không gian trưng bày các ấn phẩm văn hóa của Thủ đô Hà Nội; khu vực trưng bày bộ sản phẩm mô phỏng Nỏ thần của An Dương Vương…

 

Không gian trưng bày và trải nghiệm tại Hội thảo

Với 70 bài viết có hàm lượng khoa học cao, giàu tính thực tiễn, đa dạng về cách tiếp cận và nhìn nhận nhiều chiều về văn hóa Thăng Long – Hà Nội, về các giá trị và nguồn lực văn hoá Thăng long – Hà Nội. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải tin tưởng rằng Hội thảo sẽ đạt mục tiêu đề ra, đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ban, ngành của Thành phố trong triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, phát huy mạnh mẽ truyền thống ngàn năm văn hiến, tinh thần chủ động sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào và ý chí, khát vọng phát triển của cán bộ và Nhân dân Thủ đô, để cùng nhau xây dựng và đưa hình ảnh Thủ đô thân yêu “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” đến với bạn bè năm châu.

Tô Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *