Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Phát huy giá trị quy ước, hương ước trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Quy ước, hương ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 06-CTr/TU. Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố Hà Nội đã tiến hành thống kê, đánh giá thực trạng quy ước, hương ước; tổ chức tập huấn, tọa đàm đánh giá vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư; đồng thời tham mưu kế hoạch phát huy hiệu quả quy ước, hương ước,… Việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của thôn (làng), tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, quy ước, hương ước cũng góp phần trong công cuộc giữ gìn, phát huy truyền thống phong tục, tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước năm 2024

Tại các quận, huyện, thị xã, việc kế thừa, phát huy giá trị quy ước, hương ước được chính quyền hết sức coi trọng, Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Điều đó thể hiện việc thường xuyên cập nhật nội dung quy tắc ứng xử vào quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố; đan cài, lồng ghép các giá trị của quy ước, hương ước gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trật tự văn minh đô thị; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; xây dựng nếp sống văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản…

Có thể kể đến như, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn đưa nội dung đánh giá về xây dựng quy ước, hương ước trong công nhận danh hiệu Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa; hướng dẫn các địa phương bổ sung nội dung thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống tác hại của thuốc lá… vào quy ước, hương ước. Ngoài ra, huyện còn tổ chức rà soát, kiểm tra quy trình bổ sung, chỉnh sửa, thực hiện quy ước, hương ước trên địa bàn.

Thôn Cam, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm “hồi sinh” giếng làng

Coi trọng, lưu giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống, huyện Gia Lâm chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố phù hợp với các tiêu chí xây dựng phường, quận. Đây cũng là nền tảng để các xã, thị trấn sắp trở thành phường phát huy vai trò tự quản của thôn, tổ dân phố trong bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Xã Yên Sở, huyện Hoài Đức có nét riêng biệt, làng cũng chính là xã, xã nằm trong làng. Yên Sở từng có tên “làng Dừa” bởi trước đây dừa được trồng khắp nơi. Năm 1995, xã Yên Sở đã thông qua bản “Quy ước làng Dừa”. Bản quy ước có 63 điều. Từ vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục cho đến việc hiếu, hỷ, vấn đề đạo đức, đạo lý, trật tự an ninh… đều được chính quyền địa phương lấy ý kiến bàn bạc thấu đáo của người dân rồi thông qua. Sau khi thống nhất, quy ước được in, đóng quyển, phát tới các hộ gia đình. Quy ước Làng văn hóa Yên Sở vừa phù hợp với các quy định của pháp luật, vừa phù hợp với các giá trị truyền thống của làng. Quy ước đưa vào sử dụng gần 30 năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Yên Sở là địa phương đầu tiên của huyện Hoài Đức được công nhận Làng văn hóa.

Xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) còn lưu giữ những phong tục, tập quán không phải ở đâu cũng có, như tục “ăn xóm” và “việc làng”. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 8, mùng 9 tháng Giêng, cả xóm lại tập trung làm lễ cúng thổ thần, ăn cơm đoàn kết. Trong những ngày này, người dân xem xét hương ước cần điều chỉnh, bổ sung những gì để đưa ra trong dịp hội làng, được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng hằng năm. Đến ngày 15 tháng Giêng, hương ước được công bố để cả làng cùng thực hiện.

Tổ dân phố 14 (trước đây là thôn Thượng Mạo), phường Phú Lương, quận Hà Đông tuy đã lên “phố” nhưng vẫn lưu giữ một số tục lệ “làng”, như tục tiến cử các cụ cao niên ra hầu Thánh. Mỗi năm, “làng” tiến cử 3-4 cụ cao tuổi ra trông đình, trông quán. Trong một năm hầu Thánh, các cụ ngủ tại đình, miếu, thờ tự đủ các ngày cúng chính và cuối năm báo cáo việc với “làng”…

Thông qua việc thực hiện quy ước, hương ước đã phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô trong thời kỳ mới./.

Mai Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *