Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh mềm, trung tâm trong chính sách phát triển bền vững của Thủ đô. Khai thác hiệu quả nguồn lực, thế mạnh này là […]
Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh mềm, trung tâm trong chính sách phát triển bền vững của Thủ đô. Khai thác hiệu quả nguồn lực, thế mạnh này là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Đảng bộ thành phố đặt ra cho nhiệm kỳ 2020-2025 để phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội.
Kiên trì phát triển, phát huy giá trị văn hóa
Đánh giá những kết quả nổi bật trong nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhiệm kỳ 2015-2020, Ðại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ghi nhận: Chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa tiếp tục dẫn đầu cả nước.
Trong nhiệm kỳ mới, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quyết nghị 5 định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. Trong đó, thành phố sẽ chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Có thể thấy nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định rõ ràng và có trọng tâm, trọng điểm, qua đó khẳng định tầm nhìn, tư duy chiến lược đối với công tác phát triển, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội giai đoạn mới. Từ những định hướng trên, nhiều chỉ tiêu về văn hóa cũng được nâng lên so với nhiệm kỳ trước, như: 75% tổ dân phố, 65% thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa (các tỷ lệ này của nhiệm kỳ 2015-2020 lần lượt là 72% và 62%)…
Đổi mới sáng tạo trong phát triển văn hóa, con người Hà Nội
Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới, những nội dung về phát triển văn hóa, con người Hà Nội tại Nghị quyết Đại hội XVII sẽ được cụ thể hóa tại Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Theo nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, từ thành phố tới cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần đổi mới, sáng tạo ở các cấp (nhất là người đứng đầu), các ngành và cộng đồng dân cư trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sự nghiệp văn hóa. Có cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư thích đáng phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội.
Góp phần thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành Văn hóa Thủ đô đã đề ra 5 giải pháp căn bản cho thời gian tới. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, Sở xác định tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa; coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho các hoạt động văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa song song với tập trung nguồn lực quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Chủ trương khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa, coi đây là động lực quan trọng quyết định sự phát triển của Thủ đô, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến khẳng định, Đảng bộ quận sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực gắn với đổi mới phương thức huy động nguồn lực xã hội, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn hóa ở cơ sở.
Trong khi đó, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, Đảng bộ huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Coi trọng văn hóa ứng xử, giáo dục từ gia đình gắn với giáo dục giá trị sống trong các nhà trường…
Bằng tầm nhìn mới, thành phố Hà Nội quyết tâm đổi mới, sáng tạo, triển khai các giải pháp, đưa văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Theo Báo Hànộimới
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/982377/phat-huy-gia-tri-van-hoa-con-nguoi-ha-noi