Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2018), cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và MTTQ các cấp TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm củng cố tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới […]
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn. |
– Ngày truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam 18-11 (nay là MTTQ Việt Nam) là dịp để các khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm ôn lại truyền thống đoàn kết của dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân Thủ đô thống nhất ý chí, quyết tâm xây dựng cộng đồng dân cư phát triển, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh.
Năm 2018 là năm đầu tiên UBND TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ban hành Kế hoạch liên tịch số 227/KHLT/UBND-UBMTTQ tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nên sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với MTTQ các cấp trong tổ chức ngày hội chặt chẽ, đồng bộ hơn, với nhiều nội dung đặc sắc nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
– Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để đánh giá và biểu dương kết quả một năm MTTQ phối hợp với chính quyền thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư. Xin ông cho biết khái quát kết quả thực hiện các cuộc vận động trên trong những năm qua?
– Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân dân Thủ đô tích cực giúp nhau phát triển kinh tế nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, hàng triệu ngày công lao động, hàng trăm tỷ đồng được người dân ủng hộ xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, năm 2018, MTTQ các cấp từ thành phố đến cơ sở đều triển khai “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” thông qua hội nghị đại biểu nhân dân tại các khu dân cư, tạo sự chuyển biến trong nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thành xây, sửa 4.566 ngôi nhà cho hộ nghèo, trị giá hơn 70 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp gần 42 tỷ đồng ủng hộ “Quỹ vì biển đảo Việt Nam”, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã chuyển hơn 37 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa. Quỹ “Vì người nghèo” năm 2018 của thành phố vận động được hơn 12 tỷ đồng…
Tăng cường tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
– Thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố đã chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong hoạt động góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát, phản biện xã hội. Xin ông cho biết, những kết quả của hoạt động này?
– MTTQ Việt Nam TP Hà Nội luôn xác định là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là ngôi nhà chung đoàn kết thống nhất của nhân dân. 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tham gia 148 cuộc giám sát, khảo sát cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về thực hiện các nghị quyết, chính sách… của Quốc hội trên địa bàn Thủ đô.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp tổ chức 18 hội nghị phản biện xã hội cấp thành phố; 204 hội nghị phản biện cấp quận, huyện và gửi văn bản góp ý 499 dự thảo. MTTQ cấp xã cũng tổ chức 2.371 hội nghị, gửi văn bản góp ý 2.558 dự thảo.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền quận, huyện, thị xã tổ chức 117 cuộc; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 1.716 cuộc đối thoại với nhân dân, kịp thời tháo gỡ, giải đáp những kiến nghị của nhân dân. 100% ban công tác mặt trận khu dân cư thực hiện giám sát, nhận xét đảng viên ở nơi cư trú…
– Thưa ông, khó khăn lớn nhất của hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát, phản biện xã hội là gì và giải pháp của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp như thế nào?
– Các cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở và một số tổ chức khác chưa coi trọng công tác giám sát và phản biện xã hội nên kết quả còn ở mức độ nhất định. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong hoạt động này. Việc tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học ở địa phương còn hạn chế nên hoạt động giám sát, phản biện xã hội cấp cơ sở chưa đạt hiệu quả. Việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của các cấp ủy, chính quyền. Kinh phí dành cho hoạt động có nhiều khó khăn, nhất là ở cấp xã và những địa phương thu ngân sách thấp…
Để khắc phục hạn chế trên, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TƯ, Quyết định 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI); tăng cường phối hợp với các đoàn thể chính trị – xã hội xây dựng kế hoạch và tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân về những vấn đề nhân dân quan tâm hiện nay. Cùng với đó là tăng cường công tác tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát, phản biện xã hội để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và sự kỳ vọng của nhân dân. MTTQ Việt Nam các cấp phải kiện toàn hệ thống tổ chức của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn bằng cách tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học để làm tốt chức năng tham mưu, đóng góp ý kiến vào công tác giám sát, phản biện xã hội.
– Để hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, yêu cầu về công tác cán bộ được đặt ra trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
– Năm 2018, MTTQ Việt Nam thành phố xác định là năm nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố. Và để hoàn thành nhiệm vụ trước yêu cầu đòi hỏi mới của công việc, cán bộ mặt trận phải đặt ngang tầm vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mặt trận. Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp của TP Hà Nội nhiệm kỳ 2019-2024 đang được triển khai ở cơ sở hướng đến việc kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh, gọn, chú trọng năng lực, trình độ, tâm huyết với công tác mặt trận.
Cụ thể, nhân sự của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, quận, huyện, thị xã và chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phải trong độ tuổi lao động; trường hợp tái cử phải bảo đảm 30 tháng, bổ nhiệm lần đầu 60 tháng.
Cấp ủy Đảng phân công, giới thiệu đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp; phân công, giới thiệu đồng chí trong ban thường vụ cấp ủy để hiệp thương giữ chức chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Các khu dân cư cũng sẽ kiện toàn ban công tác mặt trận nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó là đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng tư vấn; nêu cao vai trò người đứng đầu…
– Trân trọng cảm ơn ông!
Báo Hànộimới