Để từng bước đạt được mục tiêu “Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hoá lớn của cả nước; trở thành Thành phố Sáng tạo và hướng tới có vị trí quan trọng của khu vực và châu Á”, sáng 11/10, Ban Tuyên giáo Thành uỷ đã tổ chức Hội thảo “Phát huy những tiềm năng, thế mạnh các không gian sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển”.
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ, Thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào trên tất cả các mặt. Đối với việc phát triển văn hóa – xã hội, Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”là một trong những chương trình lớn của Thành phố và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt qua gần hai nhiệm kỳ (từ năm 2011 đến nay). Đặc biệt, trong 02 năm (2016-2017), Hà Nội là địa phương đi tiên phong trong cả nước tiến hành triển khai Chiến lược Phát triển Công nghiệp văn hóa của Chính phủ. Đó là việc Ban Chỉ đạo Chương trình 04 chỉ đạo nghiên cứu và phê duyệt ban hành Đề án “Đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Đây là cơ sở, là nền tảng quan trọng để Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, áp dụng vào thực tiễn các ngành, nghề, lĩnh vực của công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô một cách hữu hiệu, thiết thực hơn trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Một trong những ngành được xác định là mũi nhọn trong việc phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô mà Đề án đã lựa chọn đó chính là các Không gian sáng tạo.
Không gian sáng tạo là một thuật ngữ hiện nay đã trở nên quen thuộc và đang mở ra ngày một nhiều tại Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Sự phát triển đó góp phần tạo nên bức tranh kinh tế sáng tạo- một xu hướng toàn cầu trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Với tính chất giao thoa giữa văn hoá và kinh tế của các mô hình; là nơi hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong lĩnh vực sáng tạo văn hoá, do vậy việc mở đường, tạo điều kiện để các không gian sáng tạo hoạt động hiệu quả là góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đã ban hành.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã nêu lên thực trạng trong quá trình hoạt động của các không gian sáng tạo hiện nay; gợi mở những sáng kiến hay, những mô hình hoạt động hiệu quả để tiếp tục phát huy những tiềm năng thế mạnh của của Thủ đô.
Trong phần tham luận của mình, Nhà báo Trương Uyên Nhi đã khẳng định Không gian sáng tạo đang góp phần cải thiện bộ mặt thành phố, xây dựng thương hiệu cho thành phố, tạo công ăn việc làm mới, truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối, là cơ hội tiếp cận mở tới các nguồn kiến thức và kĩ năng, cơ hội tiếp cận về chính trị, chính sách và Không gian sáng tạo cũng giúp làm cho cuộc sống cá nhân trở nên tốt hơn.
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh Nhân Sáng Tạo (VCE Club) cho rằng Hà Nội cần giải bài toán kinh tế, thị trường bằng quá trình thiết kế trải nghiệm mới cho khách hàng, tạo ra nhu cầu, tiếp thị và bán các sản phẩm văn hoá – sáng tạo đến đúng đối tượng của mình. Bản thân ngành công nghiệp sáng tạo ở đây phải được coi như một doanh nghiệp quy mô lớn, phải đi tìm thế mạnh riêng, phải đưa ra thị trường loại sản phẩm mà khách hàng cần, và trên hết, phải tạo ra được nhiều trải nghiệm để khách hàng hiểu, thấm và yêu quý các sản phẩm đó.
ThS. Phạm Thị Hương, giảng viên Khoa Quản lý xã hội – Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhận định Hà Nội là một trong hai đô thị lớn nhất Việt Nam, dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế lẫn quy mô dân số, và cũng là một đô thị có nền tảng và bề dày văn hóa. Hà Nội hiện đang có tốc độ đô thị hóa cao, không gian trong thành phố liên tục được tái cấu trúc theo hướng hiện đại với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng, hệ thống cửa hàng, siêu thị… Nhưng đồng thời với đó là sự thu hẹp các không gian công cộng, nơi sinh hoạt chung, có tính kết nối cộng đồng. Bối cảnh đó đã và đang tác động mạnh mẽ đến các Không gian sáng tạo trên nhiều phương diện như cách mà các Không gian sáng tạo được hình thành, chi phối đến cảm nghiệm của con người về không gian. Và cũng trong bối cảnh đó, các Không gian sáng tạo dường như trở thành những “nơi chốn” thiết yếu trong đời sống văn hóa của người dân đô thị, đặc biệt là giành cho giới trẻ.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn học, nghệ thuật của Thành phố đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các loại hình văn học nghệ thuật phát triển, các văn nghệ sĩ được tự do hoạt động, sáng tạo trong đó có hoạt động của các “không gian sáng tạo về văn hóa nghệ thuật” trên địa bàn Thủ đô.
Có thể nói việc quản lý, tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các “không gian sáng tạo về văn hóa nghệ thuật” trên địa bàn Thủ đô là rất cần thiết cho môi trường văn hóa Thủ đô có những chuyển biến tích cực, phát triển ngày càng lành mạnh, phong phú. Đặc biệt đưa công tác quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội hoạt động theo đúng những qui định của pháp luật, khẳng định được vai trò quản lý nhà nước, định hướng thẩm mỹ và tạo điều kiền tốt nhất cho văn hóa nghệ thuật phát triển theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Hội thảo “Phát huy những tiềm năng, thế mạnh các không gian sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển” đã nêu ra những bài học kinh nghiệm của quốc tế, của những tổ chức, cá nhân trong việc phát triển các không gian sáng tạo và đề xuất các giải pháp, hướng đi để phát triển và xây dựng thương hiệu cho các không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sao cho phù hợp với xu thế thời đại. Đồng thời tạo sự kết nối và xây dựng mạng lưới liên kết, tương tác có tính bền vững lành mạnh trong hoạt đông, phát triển của các Không gian sáng tạo, tích cực tham gia đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế – văn hoá – xã hội của Thủ đô.
Thanh Hằng
Theo MaskOnline