Năm 2020, toàn huyện Thạch Thất có 88,5% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 80% thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” và 100% tổ dân phố đạt “Tổ dân phố văn hóa”, 90,5% cơ quan, đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Đây là những kết quả đạt được thông qua việc triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Năm 2021, huyện Thạch Thất tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa; xây dựng môi trường văn hoá bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể có chiều sâu; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các nội dung phong trào với thực hiện quy tắc ứng xử… Qua đó đẩy mạnh phát triển phong trào sâu rộng, bền vững, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Năm 2021, huyện Thạch Thất đặt ra chỉ tiêu 88,6% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 81% thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa; 80% Tổ dân phố giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; 91% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận và giữ vững danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; 100% xã giữ vững danh hiệu Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
Để đạt được chỉ tiêu đề ra, huyện Thạch Thất đã đề ra những chủ trương, giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực, mọi lực lượng, phát huy tinh thân đoàn kết, đẩy mạnh việc thực hiện và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong đó, công tác tuyên truyền được huyện duy trì, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như tuyên truyền cổ động trực quan thông qua tờ rơi, tờ gấp, ấn phẩm về các nội dung phong trào; duy trì đội tuyên truyền cổ động tại các địa phương. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ, gắn với những biện pháp cụ thể trong quá trình triển khai phong trào, đảm bảo tính hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.
Trong việc nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, huyện chủ trương đổi mới các nội dung, hình thức hoạt động nhằm đạt mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; tăng cường nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đưa các tiêu chí về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào chỉ tiêu bình xét, công nhận gia đình văn hóa hàng năm.
Việc xây dựng “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hoá” được gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm đầu tư các nguồn lực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cở sở. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, đổi mới các nội dung hình thức hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng danh hiệu Thôn, Tổ dân phố văn hoá.
Đặc biệt, huyện chú trọng việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác chỉ đạo, quản lý, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2021 đảm bảo an toàn, tiết kiệm, văn minh.
Cùng với đó, huyện Thạch Thất cũng tổ chức hướng dẫn kiểm tra việc xây dựng, thực hiện, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước; phát huy những phong tục, tập quán tiến bộ; bổ sung nội dung thực hiện việc cưới, tang văn minh, tiến bộ, khuyến khích thực hiện hình thức hỏa táng; các nội dung thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; loại bỏ, không áp dụng các nội dung trái pháp luật, trái phong tục, các hủ tục lạc hậu và không đảm bảo bình đẳng giới, thể hiện phân biệt đối xử với phụ nữ trong các bản hương ước, quy ước của thôn; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy ước tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, huyện tích cực tuyên truyền, vận động để mọi người dân, mọi gia đình tự giác thực hiện giữ vệ sinh trong gia đường làng, ngõ xóm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các trường hợp vi phạm. Các địa phương, ngành, đoàn thể tiếp tục duy trì các phong trào đã và đang có những tác dụng tích cực đối với công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị như: phong trào “Vì môi trường xanh, sạch, đẹp”; “Xây dựng Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”… Phối hợp với các tổ chức đoàn thể thường xuyên ra quân thu gom rác thải, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; bóc xóa quảng cáo rao vặt sai quy định tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, tường bao, cột điện…
Các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng cũng được huyện tăng cường tổ chức (vào những thời điểm dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát) đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn huyện. Các hoạt động văn hóa, thể thao được khuyến khích tổ chức theo phương thức xã hội hóa, nhằm khai thác, thu hút mọi tiềm năng trong nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất luôn quan tâm đến những hoạt động giàu tính nhân văn, đề cao đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc và có ý nghĩa xã hội như phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Hiến máu nhân đạo”, phụng dưỡng “Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Qua việc triển khai có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng đồng thời nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền; vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo các cấp; công tác phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của cán bộ, nhân dân và vai trò tự quản của cộng đồng; tạo cơ chế hoạt động đồng bộ để phong trào phát triển bền vững.
Bích Ngọc