Với hơn 20 di tích lịch sử mang dấu của kinh thành Thăng Long, quận Tây Hồ có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế – xã hội. Song, đây cũng là thách thức lớn về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản trong quá trình phát triển.
Điểm đến quen thuộc
Là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống đương đại, các không gian văn hóa sáng tạo với ý nghĩa tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, đồng thời mang đến những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa, thẩm mỹ cho cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở những giá trị định tính, không gian văn hóa còn là hạ tầng tiện ích, thiết thực phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tạo cơ hội giao lưu, sáng tạo những giá trị văn hóa đồng thời cũng là một phương thức hữu hiệu trong việc định hình và giữ vững bản sắc văn hóa, tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến Thủ đô.
Quận Tây Hồ có may mắn được hình thành trên cơ sở hồ Tây và địa giới hành chính bao trọn vẹn hồ Tây. Quanh hồ Tây là một vùng trầm tích văn hóa với hơn 20 di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ, với những lễ hội đặc sắc, làng nghề truyền thống như giấy dó Bưởi, hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng…
Đây vừa là tiềm năng, lợi thế đối với quận Tây Hồ song cũng là thách thức vô cùng lớn đối với Đảng bộ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Hồ Tây và di sản trong quá trình phát triển.
Hơn thế, hồ Tây vốn dĩ mang trong mình những giá trị văn hóa và giá trị tinh thần đối với mỗi người dân Hà Nội, đến mức đã trở thành một nét văn hoá của Hà Nội qua nhiều thế hệ. Cho tới nay, “lên hồ Tây” vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Nội.
Và với giới trẻ hiện nay, Hà Nội không chỉ có bốn mùa mà còn có một mùa gọi là “mùa hồ Tây”, mà bất kể thời gian nào trong năm, bất kể thời khắc nào trong ngày cũng mang nét đẹp, hấp dẫn và thi vị riêng không thể lẫn. Đó chính là yếu tố bản sắc có khả năng hình thành nên một không gian văn hóa có giá trị độc nhất mang tên Không gian văn hóa sáng tạo hồ Tây.
Chính vì vậy, quận Tây Hồ đang tập trung xây dựng những không gian văn hóa sáng tạo đặc trưng, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà hơn hết, những không gian đó sẽ “đánh thức” nguồn lực và lợi thế của hồ Tây, khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, đặc biệt là những giá trị văn hóa lịch sử, phù hợp với điều kiện thực tiễn, xu hướng phát triển hiện nay, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô và du khách.
Quận Tây Hồ xác định, xây dựng không gian văn hóa sáng tạo hồ Tây cần lấy nền tảng là yếu tố văn hóa lịch sử gắn với đặc trưng của khu vực hồ Tây.
Phát huy giá trị của các di tích
Nhằm phát huy những giá trị mà thiên nhiên, lịch sử hướng tới xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ – du lịch, văn hóa của Thủ đô, trong thời gian tới, Đảng bộ quận Tây Hồ sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn nhằm bảo vệ và phát huy giá trị điểm đến du lịch.
Đầu tư xây dựng các không gian văn hoá, các công trình có giá trị di sản, cải tạo, nâng cấp một số vườn hoa trên địa bàn với cách tiếp cận về thiết kế mang tính đương đại, đảm bảo gìn giữ và phát huy được các giá trị di sản nhưng vẫn đáp ứng được những nhu cầu hiện tại của người dân về không gian công cộng văn minh, hài hòa, chất lượng cao.
Đồng thời, hình thành các không gian văn hóa chính tại các điểm di tích, đẩy mạnh việc tổ chức các chương trình giáo dục ngoại khóa về lịch sử văn hoá truyền thống cho học sinh trên địa bàn. Quận đã chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng bộ sách “Tây Hồ vùng đất con người” phục vụ giảng dạy ngoại khóa trong các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.
Cùng với đó, quận đã hoàn thành dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ”. Hình thành Không gian văn hóa số tiếp cận cộng đồng số và giới trẻ, tiếp cận với du lịch thông minh – một xu hướng du lịch đang rất phổ biến và được quan tâm trên thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, quận sẽ tổ chức gắn kết các địa danh, di tích lịch sử văn hoá, điểm du lịch xung quanh hồ Tây như bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa, không gian văn hóa – phố đi bộ Trịnh Công Sơn để hình thành những tuyến du lịch hoàn chỉnh, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch đêm…
Phối hợp với Sở VH&TT, Sở Du lịch tổ chức tốt các sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong chuỗi các hoạt động chung của TP được tổ chức tại các Không gian văn hóa – phố đi bộ trên địa bàn.
Đồng thời, quận Tây Hồ cũng đang phối hợp nghiên cứu phát triển khu vực bãi bồi ven sông Hồng nhằm khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên xây dựng công viên văn hóa du lịch với nhiều hình thức vui chơi giải trí hấp dẫn, thu hút như cắm trại, bay khinh khí cầu… đáp ứng nhu cầu giải trí mới của người dân và khách du lịch.
Hy vọng rằng những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ quận Tây Hồ trong việc xây dựng các không gian văn hoá sáng tạo sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử trong mỗi người dân, du khách.
Bên cạnh đó, cùng với các quận, huyện bạn, sẽ góp phần làm phong phú thêm các loại hình không gian văn hóa sáng tạo của TP, tạo sức hấp dẫn, điểm nhấn cho Hà Nội vốn cần nhiều bức tranh sáng tạo đa sắc màu, cân bằng giữa truyền thống và hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa tầm nhìn của Hà Nội với vai trò là thành viên Mạng lưới các TP sáng tạo của Unesco.
Nguyễn Đình Khuyến
Phát triển không gian văn hóa hồ Tây phục vụ người dân và khách du lịch (kinhtedothi.vn)