Tin ngành

Phát triển quận Hoàn Kiếm trên nền tảng văn hóa và di sản

Chiều 26/10, tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có buổi làm việc với Quận ủy- HĐND- UBND quận Hoàn Kiếm về việc thực hiện nhiệm vụ văn hóa và thông tin 10 tháng đầu năm 2021 và kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021- 2025.

Đại biểu Sở Văn hóa và Thể thao có đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; các đồng chí Phó Giám đốc Sở: Trần Thị Vân Anh, Phạm Thị Mỹ Hoa và đại diện lãnh đạo một số phòng, đơn vị trực thuộc Sở.

Đại biểu Quận ủy- HĐND- UBND quận Hoàn Kiếm có đồng chí Vũ Đăng Định, Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm; đồng chí Đinh Hồng Phong, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, đồng chí Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận cùng đại diện lãnh đạo HĐND- UBND quận Hoàn Kiếm, đại diện các phòng, ban, đơn vị thuộc quận và lãnh đạo 2 phường Hàng Gai và Hàng Buồm.

Tại buổi làm việc, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ văn hóa và thông tin của quận 10 tháng đầu năm 2021 và nhận diện một số tiềm năng, lợi thế của quận trong việc triển khai thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy. Theo đó, quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, là trung tâm hành chính- chính trị, kinh tế, văn hóa, nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể, với 190 di tích, trong đó nổi bật là di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt: Đền Ngọc Sơn và Khu vực hồ Hoàn Kiếm, 50 đình thờ Tổ nghề, cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như ẩm thực, các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Kim hoàn… đã góp phần tạo nên dấu ấn Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như: công thác thông tin tuyên truyền, quản lý nhà nước về văn hóa, quảng cáo, di tích, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, quận đang tập trung triển khai thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy thông qua việc thực hiện các Đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2025. Căn cứ vào mục tiêu và nội dung  của Chương trình, Ban Thường vụ quận ủy đã chỉ đạo xây dựng triển khai 06 đề án, trong đó có 03 đề án thuộc lĩnh vực văn hóa, gồm: Đề án “Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế giai đoạn 2020- 2025”; Đề án “Tiếp tục xây dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện” và đề án “Nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển phong trào TDTT góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Hoàn Kiếm giai đoạn 2020- 2025”, đồng thời tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng một số đề án cảu nhiệm kỳ trước như Đề án về xây dựng “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” và Đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”.

Hiện nay, trên địa bàn quận vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các di tích đã được xếp hạng, hiện còn chậm do khó khăn trong quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Công tác tu bổ, tôn tạo và di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế, số lượng di tích cần được tu bổ, tôn tạo còn nhiều do công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này gặp khó khăn. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ quận tới phường, địa bàn dân cư, trong trường học còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, thanh thiếu niên, học sinh. Diện tích đất dành cho giáo dục chưa đáp ứng được với yêu cầu, phần lớn diện tích khuôn viên các trường không đủ chuẩn theo quy định. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, du lịch chưa đáp ứng nhu cầu do hạn chế về chỉ tiêu biên chế. Nguồn lực tài chính (phân bổ ngân sách, xã hội hóa) chưa đáp ứng, khả năng thu hút để đầu tư phát triển còn thấp.

Về công tác quản lý di tích, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất Sở Văn hóa va Thể thao quan tâm báo cáo, đề xuất UBND Thành phố giải quyết những vướng mắc trong hồ sơ điều chỉnh khoanh vùng di tích trên địa bàn. Tham mưu UBND Thành phố văn bản kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định điều chỉnh khoanh vùng di tích thay thế công văn thỏa thuận điều chỉnh như hiện nay; có văn bản hướng dẫn cụ thể việc phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đề nghị thành phố tổ chức quảng bá các giá trị di sản phi vậ thể của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội.

Về xây dựng thiết chế văn hóa, ưu tiên quy hoạch quỹ đất dành cho quận Hoàn Kiếm để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tiêu biểu quốc gia. Đề xuất UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao sớm xem xét, cho phép UBND quận cấp giấy phép trở lại đối với loại hình hoạt động kinh doanh karaoke.

Giải đáp kiến nghị và đề xuất của quận Hoàn Kiếm, Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm đồng trình UBND Thành phố ban hành Quyết định điều chỉnh khoanh vùng giải phóng mặt bằng di tích, đồng thời phối hợp với quận Hoàn Kiếm xây dựng phương án đối với các di tích lịch sử văn hóa không còn yếu tố thờ cúng theo đúng quy trình.

Đối với các thiết chế văn hóa và thể thao, đồng chí Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Thể thao Đinh Văn Luyến đề xuất quận cần đầu tư nâng cấp Khu thể thao đa năng – Trung tâm TDTT quận Hoàn Kiếm, dành diện tích cho việc tập luyện thể dục thể thao tại khu chung cư, nhà cao tầng, phát triển thể thao đường phố, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực TDTT.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Trần Thị Vân Anh khẳng định Hoàn Kiếm là quận có nhiều tiềm năng nhất so với các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Để phát huy nguồn lực, quận cần xây dựng cơ chế đặc thù, xây dựng các thiết chế văn hóa để nhân rộng trong toàn Thành phố. Xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và mở rộng ra quốc tế, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn quận, đó là di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn và không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm, phát huy giá trị đình thờ các Tổ nghề, bởi có nghề là có nghiệp; Xây dựng quận trở thành đơn vị mẫu mực, đi đầu thực hiện 02 Bộ quy tắc ứng xử. Phát triển tốt mỹ quan đô thị, chuẩn hóa về biển hiệu, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo trên địa bàn quận.

Trước các đề xuất, gợi ý của Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định quận sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, tập trung tu bổ di tích, bảo tồn phố nghề, và các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư, phát triển du lịch chất lượng cao. Phối hợp với Sở Văn hóa và thể thao nhận diện các giá trị mà quận đang có để phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển các dự án gắn với xây dựng thành phố sáng tạo. Tập trung xây dựng sản phẩm trang thiết bị đô thị hiện đại, kêu gọi nguồn lực để tu bổ di tích, xã hội hóa hoạt động văn hóa.

Thay mặt Ban Thường vụ quận ủy và lãnh đạo HĐND, UBND quận, Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cảm ơn sự quan tâm phối hợp của Sở Văn hóa và Thể thao trong thời gian qua. Đồng chí cho biết thời gian tới, quận sẽ tiếp tục phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh chính trị để phát triển kinh tế ban đêm. Coi văn hóa là nguồn lực để phát triển. Thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở tư duy mới và cách làm mới, quan tâm tổ chức các sự kiện, thu hút du khách bằng sự kiện, các sản phẩm sáng tạo.

Đánh giá cao kết quả của quận Hoàn Kiếm trong thời gian qua, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng mong muốn trong giai đoạn tới, quận sẽ phát huy giá trị của “Quận di sản”. Chủ động phát huy những kết quả đã làm được theo cách làm mới. Phát huy nguồn lực từ các không gian đặc trưng của quận như: Không gian hồ Gươm và phố cổ, không gian phố cũ và không gian ven sông Hồng. Quan tâm tới kiến trúc đô thị và kiến tạo để tạo ra các không gian văn hóa nghệ thuật. Chú trọng phát triển đô thị xanh, đô thị âm thanh, ánh sáng. Phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ẩm thực, thời trang… thành sản phẩm sáng tạo thông qua dịch vụ của công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực, tạo dựng nếp sống văn hóa gắn với cốt cách của người Hà Nội xưa, thu hút nguồn nhân tài để tiếp cận với công ngiệp văn hóa và sản phẩm sáng tạo. Bên cạnh đó, quận cần định hướng quy hoạch phát triển của quận trong 10 năm mới, xác định rõ các danh mục về văn hóa và thể thao để thực hiện.

 

Thanh Mai

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *