Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh Asocio Hà Nội, chiều 18/9, đã diễn ra 6 phiên hội thảo với những chủ đề đang được Hà Nội và các thành phố ở Việt Nam có kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh quan tâm. Tại đây, các chuyên gia […]
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh Asocio Hà Nội, chiều 18/9, đã diễn ra 6 phiên hội thảo với những chủ đề đang được Hà Nội và các thành phố ở Việt Nam có kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh quan tâm. Tại đây, các chuyên gia đã chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm để xây dựng Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước trở nên thông minh, an toàn hơn.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh tại hội thảo
Hạ tầng, nền tảng – cơ sở quan trọng cho các thành phố thông minh
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển đô thị thông minh. Đặc biệt, Việt Nam hiện có 52 triệu người dùng internet, 55% người dân dùng điện thoại thông minh; phủ sóng 4G. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển đô thị thông minh. Trong đó có vấn đề nhận thức chung của xã hội cũng như các địa phương, bộ, ngành về phát triển đô thị thông minh còn nhiều khác biệt.
Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Phạm Quốc Thái cho rằng, muốn phát triển đô thị thông minh cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh, trong đó, có nền tảng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống ICT được kết nối; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho tổ chức và cá nhân trong đô thị”.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Tổng giám đốc VNG Vũ Minh Trí cho rằng mấu chốt của việc xây dựng, sử dụng hiệu quả hạ tầng đô thị thông minh là phải có sự kết nối tốt, toàn diện các lĩnh vực của đô thị.
Bên cạnh đó, hạ tầng CNTT phải được xây dựng song song với quá trình đô thị hóa của các thành phố. Nếu hạ tầng CNTT đi sau sẽ khó đồng bộ và không phát huy được hết hiệu quả trong việc cung cấp các tiện ích đến người dân.
Chia sẻ về kinh nghiệm của vùng Iskandar (Malaysia), bà Suhaily Abdul Hamid, Giám đốc Vụ phát triển xã hội, Cục phát triển vùng Iskandar, Bang Johor cho biết, mỗi 5 năm, chính quyền Malaysia có kế hoạch quy hoạch tổng thể riêng. Với số lượng dân tại thành thị gia tăng, Malaysia cũng đối mặt với các thách thức của đô thị hóa, thúc giục chính quyền tập trung vào các mục tiêu đô thị thông minh và an toàn hơn.
Theo bà Suhaily Abdul Hamid, quá trình phát triển đô thị thông minh tại vùng Iskandar tập trung vào 6 bình diện là kinh tế, môi trường, giao thông, quản trị, lối sống và con người… Một trong những yếu tố chủ chốt là sự hợp tác, cộng tác của các cấp ngành để bảo đảm sự thành công trên mọi lĩnh vực.
Malaysia nói chung và vùng Iskandar nói riêng đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước phát triển để học các chỉ số so sánh, đánh giá cũng như phương thức thu hút nguồn tài chính vào các dự án thành phố thông minh. “Trong khi chính quyền có trách nhiệm đưa ra chính sách, giám sát, điều hành, các khu vực tư nhân chủ yếu đảm nhận các dự án cụ thể nhằm bảo đảm chất lượng và tiết kiệm ngân sách”, bà Suhaily Abdul Hamid thông tin.
Phát triển Thành phố thông minh – Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Hitachi Holdig Việt Nam, phát triển đô thị thông minh đang là xu hướng hiện nay. Việt Nam hiện có 20 tỉnh, thành phố đã triển khai đề án thành phố thông minh.
Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh Đinh Sỹ Nguyên khẳng định, xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu, phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ. Theo đó, chính quyền Quảng Ninh xác định việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ dành cho các thành phố đã phát triển mà dành cho tất cả các tỉnh, thành phố với những giải pháp độc đáo riêng để áp dụng CNTT vào phát triển khu vực địa phương.
Quảng Ninh cũng xác định chính quyền điện tử là nền tảng để xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, đề án chính quyền điện tử của Quảng Ninh được triển khai từ năm 2012 tới nay, đã thu được nhiều kết quả. Về cơ sở hạ tầng, 100% cán bộ, công chức, viên chức có trang thiết bị đầu cuối phục vụ công việc, 100% các cơ quan từ cấp xã trở lên có mạng LAN, WAN và Internet. Về phần mềm ứng dụng, 564 đơn vị trên địa bàn tỉnh sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; 224 đơn vị sử dụng hệ thống một cửa… Tỉnh cũng triển khai 15 trung tâm hành chính công, cổng thông tin điện tử duy nhất cùng các cổng tổng hợp, cổng du lịch, cổng doanh nghiệp và 221 Cổng thông tin thành phần của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã.
Cũng theo ông Đinh Sỹ Nguyên, Quảng Ninh là 1 trong 2 tỉnh/thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện liên thông 4 cấp với trên 95% văn bản sử dụng chữ ký số để trao đổi hoàn toàn trên hệ thống, giúp tiết kiệm 30 tỷ đồng/năm.
Chuyên gia tư vấn bảo mật Trend Micro cho biết, xây dựng hệ thống quản trị thành phố thực sự thông minh và an toàn là bài toán cần tính đến. Các đô thị thông minh ngày càng trở nên thông minh hơn theo thời gian. Đây là xu hướng tất yếu khi Chính phủ các quốc gia đang dần dần chuyển mình theo hướng phi kỹ thuật. Dù là Thành phố mới xây dựng hay hình thành từ những khu vực phát triển, việc cân bằng giữa chức năng và an ninh đô thị luôn là vấn đề tất yêu và là quyền lợi của người dân.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Đặng Vũ Tuấn tham luận tại hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Đặng Vũ Tuấn cho biết, trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng Chính quyền Điện tử Thành phố với trọng tâm là Chính quyền Thành phố cung cấp các dịch vụ công tốt nhất, thuận tiện nhất để phục vụ người dân. Theo đó, Thành phố đã triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thống nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu.
Đến nay, Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội, làm nền tảng cho việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao 3-4 cho các tổ chức và công dân. Thành phố hiện đã cung cấp 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 (trên tổng số 1.883), trong đó 386 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt gần 30% tổng số TTHC của cơ quan nhà nước Thành phố.
“Hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới, xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử và Kiến trúc ICT Thành phố thông minh cho thành phố Hà Nội. Triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội và một số thành phần cơ bản của Hệ thống Giao thông thông minh, Hệ thống Du lịch thông minh và các lĩnh vực khác theo lộ trình” – Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Đặng Vũ Tuấn cho biết.
Theo Cổng GTĐT TP