Văn hoá đời sống

Phát triển văn hóa đọc kết nối lịch sử và du lịch làng nghề tại Vạn Phúc (Hà Đông)

Đề án thực hiện một số nội dung: Đưa vào tour du lịch tham quan làng nghề Vạn Phúc hoạt động tìm hiểu văn hóa làng nghề qua không gian sách kết hợp trải nghiệm ghép tranh lụa tại khu di tích miếu Vạn Phúc; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, đặc biệt tổ chức những trò chơi dân gian, trò chơi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa qua nội dung những cuốn sách hay có tại phòng đọc…

Làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 10km, không chỉ nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống hơn 1.000 năm. Vạn Phúc còn là quê hương cách mạng, có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú (đình, chùa, miếu, Nhà lưu niệm Bác Hồ).

Những năm qua, phòng đọc sách đặt tại khu di tích miếu Vạn Phúc được cải tạo từ nguồn xã hội hóa để phục vụ người dân địa phương và khách du lịch, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Đọc sách giúp bà con Nhân dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, cũng như được thư giãn, giải tỏa áp lực công việc làng nghề, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Giới trẻ tìm đến đọc sách được dịp tham quan, tìm hiểu về di tích, tìm hiểu lịch sử làng cách mạng, tham gia trải nghiệm các hoạt động thú vị, từ đó nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Thanh hướng dẫn các cháu thiếu nhi tìm đọc những cuốn sách hay

Nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số, giúp bạn đọc có nhiều cách tiếp cận với sách hơn, năm 2018, UBND phường Vạn Phúc giao bộ phận Văn hóa – Thông tin phối hợp với Đoàn Thanh niên phường xây dựng Đề án “Văn hóa đọc kết nối lịch sử và du lịch làng nghề”. Đề án thực hiện một số nội dung: Đưa vào tour du lịch tham quan làng nghề Vạn Phúc hoạt động tìm hiểu văn hóa làng nghề qua không gian sách kết hợp trải nghiệm ghép tranh lụa tại khu di tích miếu Vạn Phúc; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, đặc biệt tổ chức những trò chơi dân gian, trò chơi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa qua nội dung những cuốn sách hay có tại phòng đọc; trang trí phòng đọc sách, thường xuyên bổ sung những đầu sách mới, đa dạng nhiều lĩnh vực, ưu tiên sách phục vụ trẻ em và học tập; các trường học tổ chức các buổi học thực tế tại phòng đọc như: Học ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử, văn học, khoa học qua những cuốn sách có tại phòng đọc sách của phường.

Đến nay, phòng đọc sách trong khu di tích miếu Vạn Phúc có hơn 1.000 đầu sách ở các lĩnh vực, với nhiều thể loại: Tư tưởng Hồ Chí Minh, luật, khoa học kỹ thuật, văn học, lịch sử Việt Nam và thế giới…; trên 20 đầu báo, tạp chí. Nguồn sách, báo tại phòng đọc đa số là xã hội hóa, nhiều người yêu quý sách và mong muốn phát triển văn hóa đọc tại địa phương quyên tặng sách, tài trợ kinh phí mua sách, báo và các trang thiết bị phục vụ phòng đọc.

Phòng đọc mở cửa các ngày trong tuần. Bạn đọc là cán bộ hưu trí, người cao tuổi, học sinh, sinh viên và người kinh doanh sản phẩm lụa, dệt lụa trên địa bàn phường. Ông Đỗ Quang Vĩnh – cán bộ nghỉ hưu đam mê đọc sách và tâm huyết phát triển văn hóa đọc tại địa phương đã có thâm niên quản lý phòng đọc. Bằng tri thức vốn có trong nhiều lĩnh vực, thông thạo 4 ngoại ngữ (Anh, Trung, Nga, Pháp), ông Vĩnh không chỉ quản lý, duy trì tốt phòng đọc sách của địa phương mà còn như một người thầy giải đáp thắc mắc, hướng dẫn độc giả, nhất là những độc giả trẻ khi muốn nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề về văn học, lịch sử,… Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Quê lụa Vạn Phúc đang quản lý công việc của phòng đọc thay ông Vĩnh tuổi đã cao, với mong muốn truyền cảm hứng tình yêu thơ, yêu sách đến với mọi người.

Nhiều khách du lịch đến tham quan làng lụa Vạn Phúc, khi ghé thăm khu di tích miếu Vạn Phúc rất thích thú với không gian mát mẻ, thoáng đãng của phòng đọc, thích những cuốn sách quý hiếm nơi đây và thú vị hơn nữa là họ được tìm hiểu về lịch sử khu di tích miếu và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc qua những câu chuyện kể thú vị của ông Vĩnh, ông Thanh.

Chị Nguyễn Thị Huyền, công chức Văn hóa – Xã hội phường Vạn Phúc cho biết, từ khi triển khai Đề án “Văn hóa đọc kết nối lịch sử và du lịch làng nghề”, phòng đọc sách tại khu di tích miếu Vạn Phúc trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn người dân địa phương và du khách đến tham quan, đọc sách./.

Ngọc Trâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *