Tin ngành

Phát triển văn hóa đọc với việc học tập

Văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng kinh tế tri thức. Đồng thời, góp phần định […]

Văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng kinh tế tri thức. Đồng thời, góp phần định hướng đọc cho người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống để tiếp cận với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống.
Những năm qua, cùng với việc tập chung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn coi trọng nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh và người dân thông qua việc phát triển văn hóa đọc. Tính đến năm 2016, 100% các chi bộ Đảng của huyện có báo Nhân dân, Báo Hà Nội mới, tài liệu Thông tin nội bộ, “Bản tin Ba Vì”  phục vụ sinh hoạt; 71 trường học của huyện có thư viện và nhân viên phụ trách thư viện. Nhằm nâng cao trình độ quản lý nghiệp vụ cho nhân viên thư viện, Phòng giáo dục & đào tạo huyện đã tham mưu cho huyện mở 1 lớp trung cấp thư viện cho 102 nhân viên. Hiện nay, 31 xã, thị trấn có trung tâm Học tập cộng đồng, trong đó 48,6% trung tâm đánh giá hoạt động chất lượng tốt. Hàng năm, Phòng Tư Pháp huyện phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trung tâm Văn hóa huyện các phòng chức năng, MTTQ các đoàn thể cung cấp hàng trăm đầu sách pháp luật, tạp trí báo cáo viên phục vụ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, cấp phát hàng vạn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền tới người dân về tình hình phát triển kinh tế – văn hóa xã hội, an ninh- quốc phòng của đất nước, thủ đô và của huyện, kiến thức pháp luật đời sống và những thông tin về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó tủ sách pháp luật của các xã, thị trấn được bổ sung số lượng đầu sách ngày càng phong phú, đa dạng; giúp người dân hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập và tích cực thực hiện nếp sống văn hóa trong cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 Ban giám khảo cuộc thi “ Em yêu lịch sử Việt Nam” đang lựa chọn các Bài thi xuất sắc tham dự cấp Thành phố.  Cuộc thi do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì phát động đã thu hút được hàng nghìn học sinh các trường học tham gia đọc sách lịch sử Việt Nam

          Tuy nhiên, việc đọc sách báo của học sinh và người dân trên địa bàn huyện cũng còn những hạn chế và  đứng trước những khó khăn nhất định. Trước sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, văn hóa đọc đang bị lấn át bởi sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet và các phương tiện nghe, nhìn. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và người dân còn tâm lý ngại đọc sách báo, chưa dành thời gian cho đọc sách báo và lựa chọn những đầu sách phù hợp, phục vụ thiết thực cho học tập, công tác, lao động sản xuất, số người được cấp thẻ đọc sách thấp. Công tác quản lý, hướng dẫn đọc sách tại các xã, thị trấn và các thư viện trong trường học chung còn chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, khoa học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ đọc sách và tìm kiếm thông tin của người dân tại các trung tâm Học tập cộng đồng, Nhà Văn hóa Thôn còn thiếu; một số trường học chưa có thư viện, đặc biệt là chưa xây dựng được thư viện điện tử. Việc khai thác thông tin nội bộ và “Bản tin Ba Vì” của một số cấp ủy, chi bộ và đảng viên chưa thường xuyên.

Để hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm nay với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” và  tạo ra phong trào đọc sách rộng khắp trên địa bàn huyện, đòi hỏi mỗi cấp ủy, đảng, chính quyền và nhân dân cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về tác dụng, ý nghĩa của đọc sách trong việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin cho người dân. Tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy, chính quyền đối với việc sử dụng tài liệu thông tin nội bộ của Thành phố, “Bản tin Ba Vì” trong sinh hoạt chi bộ, việc quản lý tủ sách pháp luật của địa phương; công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn của đội ngũ nhân viên thư viện trong các trường học; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thư viện và các trung tâm Học tập cộng động, tại Nhà văn hóa thôn, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các cuộc thi tuyên truyền, giới thiệu sách nhằm biểu dương những gương điển hình về tinh thần ham đọc sách để phong trào đọc sách trên địa bàn huyện phát triển.

                                                                                   Phùng Đăng Hường

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *