Năm 2014 là năm ngành VHTTDL Hà Nội gặt hái được nhiều thành công nhờ có những đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước. Trước thềm năm mới, Bản tin Văn hóa Hà Nội có cuộc trao đổi với đồng chí Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội về những thành tích nổi bật của ngành trong năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 – năm có nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước.
Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội
Năm 2014 là năm ngành VHTTDL Hà Nội gặt hái được nhiều thành công nhờ có những đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước. Trước thềm năm mới, Bản tin Văn hóa Hà Nội có cuộc trao đổi với đồng chí Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội về những thành tích nổi bật của ngành trong năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 – năm có nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước.
PV: Năm 2014, nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế rất ấn tượng với các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc do Hà Nội tổ chức nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như: Cuộc thi giọng hát hay Hà Nội 2014, Cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hà Nội – Niềm tin và hy vọng"… Xin đồng chí cho biết đâu là những yếu tố tạo nên thành công cho các chương trình văn hóa nghệ thuật này?
Đ/c Tô Văn Động: Trong các hoạt động nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, chương trình văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm không chỉ của đông đảo nhân dân Thủ đô mà còn của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế nên ngay từ ban đầu, ngành VHTTDL đã quan tâm đầu tư cả về nội dung chương trình và hình thức thể hiện. Với mỗi chương trình, Sở VHTTDL Hà Nội đều xây dựng kế hoạch từ rất sớm, từ việc lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, chọn lựa tiết mục, ca sĩ và diễn viên thể hiện cho tới việc khớp nối các công đoạn đều được chuẩn bị kỹ càng. Các chương trình đều được đầu tư với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại. Phê duyệt kịch bản là các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật Thành phố. Tham gia biểu diễn đều là những nghệ sĩ có tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSUT Việt Hoàn, nghệ sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và lớp ca sĩ trẻ được khán giả yêu thích…
Các chương trình nghệ thuật do Sở tổ chức đều được xây dựng trên tinh thần kết hợp hài hòa giữa yếu tố dân tộc và tính hiện đại được dàn dựng công phu vừa tôn vinh tinh hoa của mảnh đất ngàn năm văn hiến, vừa tạo không khí sôi động, thu hút đông đảo khán giả thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau… Việc lựa chọn địa điểm biểu diễn cũng được cân nhắc, sao cho vừa phù hợp với nội dung chương trình, vừa tạo không gian mở để người dân có điều kiện thưởng thức.
Công tác xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tăng cường. Các hoạt động kỷ niệm được xã hội hóa một phần hoặc toàn phần thể hiện sự phối hợp, chung tay góp sức của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong việc tổ chức những sự kiện của Thủ đô và đất nước, được đông đảo nhân dân Thủ đô đón nhận, đặc biệt là các chương trình văn hóa nghệ thuật chào năm mới 2015 được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Vườn hoa Lý Thái Tổ, hồ Thiền Quang…
PV: Năm 2014 được chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị", xin đồng chí cho biết ngành VHTTDL Hà Nội đã làm những gì để tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội?
Đ/c Tô Văn Động: Thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", bên cạnh việc quan tâm tới các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành, Sở VHTTDL Hà Nội đã lựa chọn 5 nội dung trọng điểm để thực hiện: thứ nhất, xây dựng Quy hoạch quảng cáo ngoài trời đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thứ hai, triển khai đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội"; thứ ba, tổ chức phát động cuộc thi "Giữ gìn ngõ phố xanh – sạch – đẹp"; thứ tư, triển khai dự án "Hà Nội đẹp và chưa đẹp"; và thứ năm, xây dựng"Tuyến phố điểm về quảng cáo văn minh đô thị" tại mỗi quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Việc triển khai đồng thời 5 nội dung trọng tâm đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội" góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Dự án "Hà Nội đẹp và chưa đẹp" có sự tương tác tốt với độc giả và được đề cử nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2014. Cuộc thi "Giữ gìn ngõ phố xanh – sạch – đẹp" và việc xây dựng "Tuyến phố điểm về quảng cáo văn minh đô thị" tạo chuyển biến tích cực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự đô thị và góp phần tạo diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang và hiện đại hơn.
PV: Tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII, thể thao Hà Nội đứng ở ngôi vị cao nhất, với 422 huy chương các loại. Tại Đại hội Thể dục thể thao Châu Á (ASIAD) lần thứ 17 tại Incheon (Hàn Quốc), thể thao Hà Nội cũng đã tiếp tục phát huy tốt vai trò đơn vị chủ lực, vậy xin đồng chí cho biết Hà Nội đã đầu tư như thế nào cả về cơ sở vật chất và con người để tạo nên "thương hiệu" cho thể thao Hà Nội?
Đ/c Tô Văn Động: Năm vừa qua, thể thao Hà Nội đứng trước 2 sự kiện thể thao lớn là ASIAD 17 và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII. Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, Sở VHTTDL Hà Nội đã tập trung đầu tư để đáp ứng kịp thời yêu cầu về chuyên môn và đặc thù cho các môn thể thao mũi nhọn.
VĐV trong đội tuyển Hà Nội được tăng cường tập huấn trong nước và quốc tế, đặc biệt là tập huấn dài ngày tại các nước có nền thể thao tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Bên cạnh đó, với cơ sở vật chất được trang bị tương đối đầy đủ tại Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Mỹ Đình, Sở đã mời rất nhiều đội thể thao tỉnh bạn và quốc tế đến Trung tâm cùng tập luyện và thi đấu cọ sát, từng bước nâng cao kinh nghệm thi đấu và trau dồi khả năng đánh giá đối thủ.
Ngoài ra, các VĐV Hà Nội cũng được dẫn dắt bởi đội ngũ HLV trong nước và quốc tế giỏi. Công tác y tế và chăm sóc thể lực, sức khoẻ cũng được chú trọng trong suốt quá trình tập huấn và thi đấu. Công tác tổ chức các đội tuyển được quan tâm từ khâu chỉ đạo thi đấu cho đến khâu hậu cần và động viên khích lệ kịp thời trong suốt thời gian dự giải.
Với sự đầu tư, chuẩn bị kĩ lưỡng, xác định mục tiêu rõ ràng cùng tinh thần thi đấu kiên cường vì màu cờ sắc áo của lực lượng HLV và VĐV, năm 2014, Thể thao Hà Nội đã bảo vệ được ngôi vị dẫn đầu tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII và thi đấu thành công tại ASIAD 17 đạt tổng số 16 huy chương đóng góp 45% vào tổng số huy chương và giành Huy chương Vàng duy nhất của đoàn Thể thao Việt Nam.
PV: Năm 2014, Hà Nội được Tạp chí Trip Advisor xếp thứ 2 trong số 25 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới và được Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn nằm trong Top 10 điểm đến cho các kỳ nghỉ tốt nhất Châu Á. Xin đồng chí cho biết, ngành du lịch Hà Nội đã phát huy tiềm năng thế nào để đạt được mức tăng trưởng bền vững cả về lượng khách du lịch và mức doanh thu từ du lịch?
Đ/c Tô Văn Động: Trước hết, phải khẳng định kết quả do Tạp chí Trip Advisor và Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn là rất khách quan, bởi đây là kết quả bình chọn của hàng chục triệu ý kiến từ các quốc gia khác nhau. Để tăng cường hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện, Sở đã tập trung xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp; môi trường văn hóa giao tiếp ngày càng thân thiện; đặc biệt tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch. Bên cạnh việc củng cố chất lượng những sản phẩm du lịch truyền thống đã có thương hiệu, Hà Nội còn tập trung khai thác những loại hình du lịch mới như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề…..
Năm 2014 cũng ghi nhận sự thành công của ngành du lịch trong việc định hướng thị trường mục tiêu. Nhờ xác định đúng thị trường tiềm năng, ngành đã đạt mức tăng trưởng bền vững cả về lượng khách (15,5 triệu lượt khách nội địa, 3 triệu lượt khách quốc tế) và mức doanh thu (48 nghìn tỷ đồng). Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ chương trình hành động của các thành phố Châu Á – Thái Bình Dương (TPO). Việc tham gia Hội chợ du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản cũng đã phát huy hiệu quả trong việc thu hút lượng khách Nhật đến Hà Nội.
Để duy trì mức tăng trưởng bền vững, Hà Nội đang tập trung thực hiện từng bước Quy hoạch du lịch. Bên cạnh việc hoàn thành các điểm, khu du lịch cấp quốc gia, Hà Nội còn quan tâm tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ địa phương nơi có điểm du lịch và đội ngũ cán bộ kinh doanh, hướng dẫn viên du lịch…
PV: Năm 2015 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước. Với tư cách là người đứng đầu ngành VHTTDL Hà Nội, đồng chí có thể cho bạn đọc biết một số hoạt động nổi bật mà Sở VHTTDL dự kiến tổ chức thực hiện để tạo dấu ấn cho Thủ đô trong năm 2015?
Đ/c Tô Văn Động: Năm 2015, Sở VHTTDL Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác đổi mới các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan. Sở sẽ tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao đặc sắc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là bạn bè trong nước và quốc tế có dịp đến Thủ đô nhân các ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước như: kỷ niệm 85 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9…
Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố và phát huy thể thao thành tích cao, trong đó mục tiêu trước mắt là chuẩn bị tốt lực lượng vận động viên thi đấu đạt thành tích cao tại SEA Games 28 và vượt qua vòng loại Olympic Brazil 2016. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến du lịch, nhất là tại các thành phố Châu Á – Thái Bình Dương để Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế .
Hy vọng, những kết quả nổi bật về văn hóa, thể thao và du lịch sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT – XH của Thủ đô trong năm 2015.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Mai (Th/hiện)