Tính đến nay, toàn huyện Thạch Thất có 122 Chi hội phụ nữ văn minh. Qua bình xét hàng năm, có 91,7% gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ đạt Gia đình văn minh hạnh phúc.
Những năm qua, các cấp Hội phụ nữ huyện Thạch Thất đã phát huy phẩm chất tốt đẹp, năng động, sáng tạo, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của huyện.
Đại biểu phụ nữ xã Yên Trung tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ huyện Thạch Thất lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2021-2026.
(Ảnh: baophunuthudo.vn)
Nổi bật là các cấp Hội trên địa bàn huyện đã thực hiện hiệu quả phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống được các cấp Hội đẩy mạnh. Nhiều mô hình, hoạt động cụ thể, thiết thực được triển khai, quan tâm tới phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 5 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình… cho trên 58.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, trẻ vị thành niên; phối hợp giải quyết 7 vụ xâm hại trẻ em; tư vấn, hỗ trợ giải quyết 17 vụ bạo lực gia đình; thành lập điểm 1 tổ tư vấn tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em… Mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên. Thông qua các hoạt động, mô hình tiết kiệm, các cấp Hội phụ nữ trong huyện đã tiết kiệm được hơn 30 tỉ đồng, đã trích 768 triệu đồng để chăm lo cho phụ nữ, trẻ em nghèo trên địa bàn huyện. 100% hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ các điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang” với nhiều biện pháp cụ thể và hiệu quả, đóng góp vào kết quả chung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của huyện. Tính đến nay, toàn huyện có 122 Chi hội phụ nữ văn minh… Qua bình xét hàng năm, có 91,7% gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ đạt Gia đình văn minh hạnh phúc.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội phụ nữ trong huyện đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hội đã triển khai hiệu quả các mô hình “Đường hoa phụ nữ”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Điểm nhà văn hóa xanh – sạch – đẹp- thân thiện với môi trường”…Theo đó, Hội xây dựng mô hình dân vận khéo về thực hiện vệ sinh sạch đường làng, ngõ xóm, sạch đồng ruộng trên địa bàn. Chỉ đạo các Hội phụ nữ cơ sở tổ chức khảo sát những đoạn đường có nguy cơ tồn đọng rác thải, các trục đường liên thôn, liên xã, lên kế hoạch cải tạo, đổ đất, san nền, chọn các loại cây hoa, huy động công sức để tổ chức trồng cây xanh, trồng hoa, đồng thời chỉnh trang lại các đoạn đường tự quản, biển hiệu. Kết quả, các cấp Hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ hiến 7.004m2 đất, ủng hộ hơn 10 tỷ đồng, đóng góp ngày công lao động xây dựng đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng; mô hình “sạch đồng ruộng” đi vào chiều sâu; ra mắt 74 mô hình hạn chế sử dụng túi nilon; 19 mô hình phân loại rác thải tại nguồn; 440 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh – sạch – đẹp, 60 đoạn đường nở hoa; 45 điểm nhà văn hóa, xanh – sạch – đẹp và thân thiện với môi trường; xóa 11 điểm chân rác thành đường hoa… góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống và xây dựng nông thôn mới.
Mô hình “Đường hoa phụ nữ” ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID -19, phát huy tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng, các cấp Hội phụ nữ trong huyện đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên phụ nữ và nông dân gặp khó khăn; ủng hộ kinh phí mua khẩu trang, nước sát khuẩn, nhu yếu phẩm cho phụ nữ nghèo và tặng vật tư y tế cho 4 trạm y tế trên địa bàn huyện thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Với mục tiêu: “Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ Thạch Thất, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; huy động sự tham gia của toàn xã hội vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển huyện Thạch Thất nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh”, các cấp Hội phụ nữ huyện Thạch Thất đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội, của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hướng tới đô thị xanh, làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, phát huy giá trị làng nghề truyền thống, vận động hội viên phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Với đặc thù là huyện có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, các cấp Hội tiếp tục thực hiện tốt vai trò bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; quan tâm đến văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc.
Ngọc Trâm