Quy tắc ứng xử

Phú Xuyên: Lan tỏa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Toàn huyện có 92% số hộ đạt Gia đình Văn hóa, 72% số làng đạt và giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa, 80% tiểu khu đạt và giữ vững danh hiệu Văn hóa; 67% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa, 57% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”(TDĐKXDĐSVH) trong những năm qua ở huyện Phú Xuyên đã được triển khai, thực hiện một cách bài bản, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn, thu hút được các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua phong trào đã phát huy tiềm năng và huy động sức dân để xây dựng Phú Xuyên ngày càng văn minh, hiện đại.

Sở dĩ phong trào TDĐKXDĐSVH đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia là do các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn trong huyện Phú Xuyên quan tâm, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phong trào ngày một phát triển. Thêm vào đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về nội dung, hiệu quả của Phong trào TDĐKXDĐSVH nên nhận thức của nhân dân ngày một nâng lên, tạo đà cho phong trào TDĐKXDĐSVH ở Phú Xuyên phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng lên. Những xã, thị trấn có Phong trào hoạt động tốt như: Phú Túc, Đại Thắng, Phú Minh, Nam Triều, Quang Trung, Khai Thái, Phú Yên v.v.

Về phía Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện luôn xác định phong trào có tác động động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội trong huyện. BCĐ đã xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, triển khai thực hiện, tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Huyện cũng chỉ đạo thực hiện việc giao chỉ tiêu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tiểu khu văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa tới BCĐ các xã, thị trấn trong huyện; thành lập 06 đoàn kiểm tra phong trào; chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt Lễ đón nhận các danh hiệu Văn hóa một cách vui tươi, tiết kiệm, tạo niềm phấn khởi trong nhân dân, qua đó khích lệ phong trào.


Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong Phong trào TDĐKXDĐSVH

Theo báo cáo, toàn huyện hiện có 92% số hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, có 72% số làng đạt và giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa, 80% tiểu khu đạt và giữ vững danh hiệu Văn hóa; 67% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa, 57% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện luôn được Phú Xuyên chú trọng. Việc cưới Trang trọng – Vui tươi – Lành mạnh – Tiết kiệm đã nhận được sự ủng hộ của đại đa số các tầng lớp nhân dân. Các đám cưới tổ chức trong 1 ngày và số lượng khách mời không quá 300 người. Hầu hết các đám cưới đều không hút thuốc lá. Tiêu biểu trong việc tổ chức đám cưới theo nếp sống mới là xã Đại Thắng. Theo lãnh đạo xã, việc cưới ở đây do Đoàn Thanh niên và Ban Văn hóa xã hội tổ chức, đám cưới được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn, mỗi đám cưới UBND xã tặng hoa và 01 triệu đồng, thôn tặng quà trị giá 500 ngàn đồng. Qua tính toán, mỗi đám cưới tiết kiệm được từ 5-7 triệu đồng. Bên cạnh xã Đại Thắng, xã Quang Trung cũng là một trong nhiều xã của huyện thực hiện tốt nếp sống văn minh. Chủ tịch MTTQ xã cho biết, toàn xã có 5/5 đơn vị cơ quan giữ vững danh hiệu Cơ quan Văn hoá, 4/4 thôn đều duy trì được danh hiệu Làng Văn hóa nhiều năm nay, 4/4 thôn đều có sân tập thể thao cho nhân dân. 100% số hộ dân trong xã có điện thắp sáng, 100% số hộ dân được dùng nước sạch. Toàn xã có 98,5% số hộ đã đạt Gia đình Văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đến nay, hầu hết các hộ đều lựa chọn hình thức tổ chức tang lễ không kèn trống ầm ĩ, các đám cưới không tổ chức cỗ bàn linh đình, không mở loa đài quá khuya.

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đến nay 58/58 lễ hội truyền thống của Phú Xuyên được tổ chức nề nếp, lành mạnh, an toàn. Nhiều lễ hội đã kết hợp với việc đón nhận danh hiệu Văn hóa và kết hợp các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh phục vụ nhân dân. Đáng lưu ý, đã thành truyền thống, nhiều năm qua Phú Xuyên đã tổ chức thành công Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống, qua đó phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền, kích thích sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề truyền thống trong huyện, được dư luận trong và ngoài huyện đánh giá cao…

Có thể nói, Phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện Phú Xuyên đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng trong nhân dân. Phong trào còn là động lực để cán bộ, nhân dân Phú Xuyên phấn khởi thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Phạm Thanh Quy

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *