Văn hóa cơ sở

Phúc Thọ: Huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư bảo tồn bản sắc văn hóa

Là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa – nguồn sức mạnh nội sinh để mỗi địa phương phát huy giá trị trong xây dựng quê hương.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc

Theo thống kê của huyện Phúc Thọ, trên địa bàn hiện có 201 di tích trong đó 106 di tích đã được xếp hạng, 03 di tích quốc gia đặc biệt. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, từ năm 2020 đến năm 2023, huyện Phúc Thọ đã thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 41 di tích, với tổng kinh phí trên 249 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đây trở thành một cuộc vận động văn hoá lớn, có tác động tích cực, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm 2023, toàn huyện có trên 48.000 hộ gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa, tỷ lệ trên 96%; 100% thôn đăng ký đạt danh hiệu thôn văn hóa. Các đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tỷ lệ tang văn minh đạt xấp xỉ 56%. Cuộc vận động “3 sạch” đã thấm sâu vào từng nếp nghĩa, cách làm để giữ gìn môi trường sống….

Nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá – xã hội, xây dựng người Phúc Thọ thanh lịch, văn minh, huyện Phúc Thọ đã tổ chức Hội nghị chuyên đề văn hóa năm 2023 tập trung nêu bật những giá trị đặc trưng của văn hóa Phúc Thọ trong dòng chảy văn hóa xứ Đoài và giao thoa với Văn hóa Thăng Long – Hà Nội; giáo dục truyền thống địa phương cho thế hệ hôm nay và mai sau; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá di tích quốc đặc biệt đền Hát Môn;…

Đình Tường Phiêu nhìn từ trên cao

Trong thời gian tới, Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cho rằng các cấp ủy, chính quyền huyện Phúc Thọ, đặc biệt là ngành văn hoá cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại địa phương từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác; nghiên cứu phục dựng các lễ hội truyền thống; phát triển các làng nghề; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, khai thác lợi thế đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, cộng đồng dân cư, nguồn hỗ trợ để đầu tư bảo tồn bản sắc văn hóa; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại;… Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo sức mạnh nội sinh, hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Phúc Thọ, đồng thời là quyết tâm chính trị của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, nhất là xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *