Thời gian tới, phường sẽ đẩy mạnh các hoạt động lễ hội và phong trào văn hóa ở cơ sở, khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Là địa phương sở hữu nhiều di sản văn hóa với 5 di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia, 1 di tích lịch sử – văn hoá cấp thành phố và 01 di tích cách mạng kháng chiến, nên từ nhiều năm nay, phường Việt Hưng luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Những hiệu quả trong công tác này đã góp phần tăng cường hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nhất là các hoạt động du lịch – dịch vụ trên địa bàn phường.
Ngay từ những tháng đầu năm 2017, phường Việt Hưng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giữ gìn, bảo tồn các giá trị di tích lịch sử – văn hóa bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp như: Tuyên truyền về những lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, làng nghề truyền thống vô cùng đặc biệt được thể hiện qua các món ăn, sản phẩm từ rắn, kỹ thuật bắt rắn và các bài thuốc từ rắn,… được lưu giữ chủ yếu trong dân gian theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề; Phát động các phong trào thi đua, tổ chức lễ tưởng niệm, họp mặt truyền thống, lễ kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,…. tại các điểm di tích, đặc biệt là tại di tích cách mạng kháng chiến đình Trường Lâm.
Lễ đón Thập tam trại tại lễ hội truyền thống làng Lệ Mật
Các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian được bảo tồn và phát huy đúng theo tinh thần Luật di sản. Hàng năm, duy trì tổ chức tốt các hoạt động lễ hội như: lễ hội Trường Lâm, lễ hội Kim Quan, lễ hội Lệ Mật với các nghi thức truyền thống, giàu bản sắc văn hóa địa phương như: rước nước, rước văn, các nghi thức cúng tế: tế tuần tảo, dâng hương, lễ Đả ngư, Lễ đón “kinh quán” – thập tam trại ở phía Tây thành Thăng Long về với “cựu quán” – quê hương Lệ Mật, các điệu múa cổ Lột rắn tại lễ hội làng Trường Lâm, múa Giảo Long tại lễ hội làng Lệ Mật… Cũng trong những ngày lễ, tết, phường kết hợp tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian như: cờ tướng, kéo co, bịt mắt đập niêu,…từng bước nâng cao giải trí văn hoá tinh thần trong nhân dân.
Công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy di tích lịch sử văn hoá được quan tâm tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu tôn tạo bảo vệ di tích đúng theo quy định của nhà nước, như di tích đình Trường Lâm được nhà nước đầu tư gần 20 tỷ đồng, di tích đình chùa Lệ Mật gần 90 tỷ đồng, di tích đình Kim Quan giai đoạn 1 đã được đầu tư trên 20 tỷ đồng.
Hệ thống thiết chế Văn hóa, Thông tin, Thể thao từ phường đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Trung tâm Văn hoá – Thể thao phường và các nhà văn hóa tổ dân phố được xây dựng ổn định tổ chức đi vào hoạt động, các tổ dân phố đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khá khang trang với các phòng: phòng làm việc, phòng chức năng, hội trường… để phục vụ việc sinh hoạt hội họp, vui chơi, ….
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa – thể thao ngày càng có sự chuyển biến rõ nét đã thu hút nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện đóng góp, ủng hộ cơ sở vật chất cho Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường, nhà văn hóa các tổ dân phố như: trang thiết bị âm thanh, máy điều hòa, bàn ghế, dụng cụ thể dục thể thao,… và kinh phí phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí cho Thanh thiếu nhi các dịp lễ, tết như: dịp hè, trung thu, Tết nguyên đán,…. Các phong trào VHVN-TDTT quần chúng ngày càng có bước phát triển rộng khắp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn thuần phong mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các loại tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.
Lễ cắt băng khánh thành Trung tâm Văn hóa thể thao phường Việt Hưng
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn phường, trong thời gian tới, phường Việt Hưng sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của toàn xã hội, tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm nêu cao các giá trị văn hóa hiện có, đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và địa phương. Bên cạnh đó, phường sẽ đẩy mạnh các hoạt động lễ hội và phong trào văn hóa ở cơ sở, khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn phường.
Phương Uyên