Văn hóa cơ sở

Quận Bắc Từ Liêm đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm

Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Chèm là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Ngày 25/6, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Bắc Từ Liêm long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm và tổ chức lễ hội truyền thống Đình Chèm năm 2018. Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; Đào Đức Toàn – Phó Bí thư Thành ủy; Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố.


Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy trao bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đình Chèm cho Đảng bộ, nhân dân quận Bắc Từ Liêm

Đồng chí Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: Đình Chèm (còn gọi là Đền Chèm hay Đền Lý Hiệu Uý) thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đình thờ Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng, người làng Chèm, sinh vào thời Hùng Duệ Vương. Ngài là người trí dũng song toàn, thông minh chính trực, được Hùng Duệ Vương phong chức chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội Văn Lang. Ngài đã hết lòng phò tá giúp An Dương Vương đánh bại quân xâm lược Nhà Tần. Ngài cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua giao khi đi sứ nước Tần để giữ gìn tình hòa hiếu với lân bang, được sử sách tôn vinh là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam; Ngài đã giúp vua Tần đánh đuổi quân Hung Nô, được vua Tần phong tước Phụ Tín Hầu và gả công chúa Bạch Tĩnh Cung. Khi trở về nước, ngài được nhà vua phong tước Đại Vương, ngài đã có công diệt trừ thủy quái, khuyến khích nông trại đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Khi mất, ngài được triều đình phong là Thượng Đẳng Phúc Thần, duệ hiệu là Hy Khang Thiên Vương. Nhân dân tôn xưng ngài là Đức Thánh Chèm và lập đền thờ tại quê nhà.

Đình Chèm là một trong những ngôi đình thuộc loại cổ nhất ở Việt Nam. Theo thần tích, đình được xây dựng ngay sau khi Ngài qua đời, khởi nguyên là một tòa miếu nhỏ. Năm Trinh Nguyên thứ nhất nhà Đường (785 sau công nguyên), Triệu Xương được cử sang làm đô hộ An Nam đã cho sửa lại tòa miếu thành nhà cao tầng chồng; Năm 864, Cao Biền sang làm đô hộ An Nam đã sửa lại đền lớn hơn quy mô cũ, tạc gỗ làm tượng, sơn son thếp vàng, gọi là đền Lý Hiệu Úy.


Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và Phó Chủ tịch UBND thành phố
Ngô Văn Quý tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, nhân dân quận Bắc Từ Liêm

Hiện nay, Đình Chèm còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: 16 cuốn sách chữ Hán, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn, 4 tấm bia đá, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi, 15 câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn; các đồ khí tự có giá trị như: 8 sập thờ, 4 nhang án, long ngai bài vị, bát hương, cây đèn cây nến, bát bửu, lọng thờ, hạc thờ, chóe sứ, hũ gốm, lọ hoa sứ,… Đặc biệt, Đình Chèm vẫn còn lưu giữ chiếc lư hương ngàn năm tuổi, cây thiên mệnh rất quý hiếm; có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mệnh năm 1824.

Để tri ân công đức của ngài, hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng 5 âm lịch nhân dân ba làng, gồm: làng Chèm (nay là phường Thụy Phương), làng Hoàng và làng Mạc (phường Liên Mạc) cùng nhau tổ chức lễ hội truyền thống, có sự tham gia của nhân dân xã Đa Lộc (Ân Thi, Hưng Yên), làng La Tinh (Đông La, Hoài Đức).

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, Lễ hội Đình Chèm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2082/QĐ-TTg xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Chèm là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy khẳng định, việc xếp hạng đối với di tích Đình Chèm, phường Thụy Phương đã thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời, cũng là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng đóng góp của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc.

Để phát huy giá trị của di sản một cách có hiệu quả, đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài. Ban Quản lý di tích cần triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ và phát huy giá trị di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ kiến trúc và các hiện vật của Đình tuyệt đối an toàn. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích; tiếp tục xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích đang xuống cấp hàng năm…

Về lễ hội, cần duy trì nghi thức, nghi lễ ở các điểm di tích diễn ra lễ hội truyền thống. Lễ hội phải do cộng đồng đảm nhận và thực hành, chính quyền địa phương đảm bảo công tác an ninh trật tự. Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội phải được bảo vệ, có biện pháp giữ gìn, tôn tạo cảnh quan các di tích để đảm bảo không gian linh thiêng, thuận tiện cho việc thực hành nghi thức và tham dự lễ hội của nhân dân, qua đó, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của lễ hội Đình Chèm. Kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín dị đoan, làm biến dạng lễ hội truyền thống.

Đức Hải

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *