Văn hóa cơ sở

Quận Cầu Giấy có thêm 3 phố mới được đặt tên

Sáng 26/01, Quận ủy- HĐND- UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cầu Giấy tổ chức gắn biển cho 3 tuyến phố : Khúc Thừa Dụ, Tú Mỡ và Nguyễn Quốc Trị theo Quyết định 6920/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 24/12/2018 về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tên phố Khúc Thừa Dụ được đặt cho đoạn từ ngã ba giao  cắt đường Cầu Giấy tại số 299 đến ngã ba giao cắt phố Thành Thái tại điểm đối diện công viên Cầu Giấy. Phố dài 675m, rộng 25m. Khúc Thừa Dụ (trị vì từ 905- 907) được người đời sau suy tôn là Khúc Tiên Chúa. Ông quê ở Hồng Châu (nay là thôn Cúc Bồ, xã Kiến  Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), mấy đời là hào tộc mạnh, dân chúng cử ông làm Tiết Độ Sứ để cai trị Giao Châu. Nhà Đường lúc bấy giờ suy nhược, thế không ngăn cấm được, cũng thuận cho ông làm Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ và gia phong Đồng Bình Chương Sự. Ngày 23/7/907, Khúc Thừa Dụ mất. Con ông là Khúc Hạo lên kế vị. Tên ông đã được đặt cho các tuyến đường tại thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và một trường THPT ở xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Tên phố Tú Mỡ được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Mạc Thái Tông tại ô đất C12 đến ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng, tại siêu thị BigC. Phố dài 900m, rộng 21,3m. Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh năm 1900, nhà ở phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông đỗ đầu bằng sơ học Pháp – Việt. 16 tuổi bắt đầu làm thơ. Từ năm 1926, ông bắt đầu có thơ đăng trên Việt Nam thanh niên tạp chí. Năm 1932 ông tham gia Tự lực Văn đoàn. Năm 1957, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. Nửa thế kỷ cầm bút, ông đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển thơ ca, đặc biệt về mặt thơ trào phúng. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. Ông mất năm 1976. Tại quận Cầu Giấy hiện có nhà thờ ông.

Tên phố Nguyễn Quốc Trị được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh đến đường cạnh ô đất C2 – C4 Nam Trung Yên. Phố dài 1240m, rộng 17,5m. Nguyễn Quốc Trị sinh năm 1921, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia hoạt động chống chính sách bắt dân làm phu và bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1944, ông cùng các anh em phá ngục, xung phong vào đội tự vệ tiên phong chống Nhật. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông  vào bộ đội chủ lực, tham dự nhiều trận đánh ở Vinh, Huế, Đông Hà…Năm 1954, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn quân tiên phong vào tiếp quản Hà Nội và được vinh dự đề cử kéo Quốc kỳ tại lễ mừng Giải phóng Thủ đô. Ngày 16/8/1967, ông mất vì bom nổ tại làng Phượng Kỳ, quê hương ông, trong một lần về thăm quê. Ông được phong là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1952 và là 1 trong 4 Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (cùng các Anh hùng: Liệt sĩ Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên).

Việc đặt tên 3 tuyến phố mới mang tên 3 danh nhân là niềm vinh dự của lãnh đạo và nhân dân quận Cầu Giấy nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Qua đó khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hôm nay.

Trong buổi lễ, UBND quận Cầu Giấy đề nghị các Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, các phòng, ban, ngành liên quan, lãnh đạo phường Dịch Vọng, Trung Hòa, Yên Hòa (3 phường có tuyến phố mới được đặt tên) tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về lý lịch, công lao to lớn của các danh nhân; tiếp tục quan tâm chỉ đạo và vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm lo cho tuyến phố ngày càng ngăn nắp, sạch đẹp, văn minh, xứng đáng là những tuyến đường được mang tên các danh nhân đã có trong lịch sử dân  tộc và sự phát triển của đất nước.

Minh Huệ

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *