Văn hóa cơ sở

Quận Cầu Giấy có thêm 4 tuyến phố mới

Ngày 12/3, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức lễ gắn biển tên 4 tuyến phố mới trên địa bàn quận gồm: Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Bá Khoản, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ trên địa bàn 2 phường Yên Hoà, Trung Hoà.

Lãnh đạo quận Cầu Giấy trao giấy chứng nhận gắn biển số nhà cho các tập thể, cá nhân.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, trong nhiều năm qua, công tác đầu tư phát triển hạ tầng, kỹ thuật, quản lý đất đai, môi trường và đô thị luôn được quận Cầu Giấy quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Nhờ đó, diện mạo không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị của quận thay đổi nhanh chóng, các khu đô thị dần đi vào hoạt động ổn định, khang trang hiện đại. Nhiều tuyến đường giao thông chính quan trọng được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng có tính chất quyết định cho sự phát triển hoàn chỉnh về đô thị của quận Cầu Giấy.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung phát biểu tại buổi lễ.

Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, việc đặt tên 4 tuyến phố mới là niềm vinh dự của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân quận Cầu Giấy nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Qua đó, khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý và gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thông trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn.

“Sau buổi lễ ngày hôm nay, UBND quận Cầu Giấy đề nghị các phòng, ban, ngành, đoàn thể liên quan, lãnh đạo UBND phường Yên Hoà và Trung Hoà tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống lịch sử làng Hạ Yên Quyết, thân thế sự nghiệp, công lao đóng góp của danh nhân Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Bá Khoản, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ tới các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo và vận động Nhân dân thực hiện chỉnh trang đô thị, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm lo cho tuyến phố ngày càng ngăn nắp, sạch, đẹp, văn minh.” – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung nhấn mạnh.

Được biết, phố Nguyễn Như Uyên bắt đầu từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính – Yên Hòa (số 299 phố Trung Kính) đến ngã tư giao cắt phố Nguyễn Chánh – Nguyễn Quốc Trị (số 150 Nguyễn Chánh). Phố Nguyễn Như Uyên dài: 730m; rộng 16,5 – 20,5m (lòng đường: 10,5m, vỉa hè mỗi bên từ 3 đến 5m).

Lãnh đạo quận Cầu Giấy và đại diện dòng họ Nguyễn Như Uyên thực hiện nghi thức gắn biển tên phố Nguyễn Như Uyên.

Danh nhân Nguyễn Như Uyên sinh năm 1436, người làng Hạ Yên Quyết. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp chánh tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa thi năm Kỷ Sửu (Quang Thuận thứ 10), tức năm 1469, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong suốt 30 năm làm quan dưới triều Lê Sơ, Nguyễn Như Uyên đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Thượng thư Bộ Lại, Trưởng Lục bộ sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị Kinh diên…; Ba lần cùng nhà vua đi chinh phạt Ai Lao, Lão Qua và Bồn Man, lập nhiều chiến công, được ban thái ấp, tước vị, lập nên cơ nghiệp ở Hạ Yên Quyết. Khi về trí sĩ, được triều đình phong cho làm Thái Bảo, tước Liêm Quận công. Nhà thờ Danh nhân Nguyễn Như Uyên nằm trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy và được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố năm 2012.

Phố Nguyễn Bá Khoản bắt đầu từ ngã tư giao cắt phố Vũ Phạm Hàm tại SN 134 Vũ Phạm Hàm đến ngã ba giao cắt tại tòa nhà Ánh Dương (Sky Land). Phố Nguyễn Bá Khoản dài: 470m; rộng 11 – 17m (lòng đường: 5 – 7m, vỉa hè mỗi bên từ 3 đến 5m).

Lãnh đạo quận Cầu Giấy và đại diện gia đình danh nhân Nguyễn Bá Khoản thực hiện nghi lễ gắn biển tên phố Nguyễn Bá Khoản.

Danh nhân Nguyễn Bá Khoản (1917 – 1993), quê ở thôn Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông được xem là phóng viên nhiếp ảnh báo chí cách mạng đầu tiên của nước ta từ trước Cách mạng Tháng 8. Vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, ông vẫn bám sát đời sống nhân dân lao động và phong trào cách mạng để phản ánh kịp thời trên báo chí. Cùng với Võ An Ninh, Vũ Năng An, Nguyễn Tiến Lợi…, ông cũng là một trong những nhà nhiếp ảnh tiên phong của thời kỳ nước nhà mới giành được độc lập và chống quân Pháp tái xâm lược ở miền Bắc. Ông đã ghi lại những bức ảnh mang tính lịch sử ở thủ đô Hà Nội và chiến khu Việt Bắc. Với hơn 60 năm cầm máy, ông đã để lại một di sản ảnh tư liệu thật đồ sộ. Những năm cuối đời ông còn hiến tặng 4.000 phim gốc và 2.700 bức ảnh cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cùng hàng vạn phim của ông đang được gia đình lưu giữ và tiếp tục chọn lọc hiến tặng. Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996).

Phố Xuân Quỳnh bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (số 5 phố Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung yên Plaza (UDIC) tại Tổ dân phố 28, phường Trung Hòa. Phố Xuân Quỳnh dài: 470m; rộng 10m (lòng đường: 6m, vỉa hè mỗi bên 2m).

Lãnh đạo quận Cầu Giấy và đại diện gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh thực hiện nghi lễ gắn biển tên phố Xuân Quỳnh.

Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 – 1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở xã Văn Khê, thị xã Hà Đông (nay là phường La Khê, quận Hà Đông). Bà là một nhà thơ nổi tiếng, là vợ của cố nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà văn Lưu Quang Vũ, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng như: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu (đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc), Tiếng gà trưa… Các bài thơ như: Sóng, Chuyện cổ tích về loài người đã được đưa vào sách giáo khoa của học sinh phổ thông. Nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học nước nhà năm 2017.

Phố Lưu Quang Vũ bắt đầu từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện Trường THCS Trung Hòa. Phố Lưu Quang Vũ dài: 430m; rộng 7,5 – 27,5 (lòng đường: 7 – 17,5m, vỉa hè mỗi bên từ 0,5 đến 5m).

Lãnh đạo quận Cầu Giấy và đại diện gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thực hiện nghi lễ gắn biển tên phố Lưu Quang Vũ.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988), sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ông là nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà văn hiện đại của Việt Nam, chồng của cố nhà thơ Xuân Quỳnh. Lưu Quang Vũ là một “hiện tượng” của sân khấu Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX. Trước khi mất, chỉ 40 năm tuổi đời nhưng ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch, nhiều vở thấm đẫm tính thời sự với hiện thực xã hội nóng bỏng, đầy sức sống thời đại như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng… Các tác phẩm của ông luôn giàu tính hiện thực và nhân văn, đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng những năm sau chiến tranh. Lưu Quang Vũ đã trở thành tượng đài, nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu.

Thuý Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *