Sáng 11/01/2020, UBND quận Cầu Giấy long trọng tổ chức Lễ gắn biển cho 3 tuyến phố: Đinh Núp, Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Đỗ Cung.
Lễ gắn biển phố Đinh Núp
Phố Đinh Núp được đặt tên cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh tại ô đất A5 và A7 đến ngã tư giao cắt phố Tú Mỡ tại điểm đối diện tòa chung cư CT4 Vimeco. Phố dài 1.000m, rộng 20,5m, vỉa hè mỗi bên 5m.
Đinh Núp, còn có tên là Sar (1914 – 1999) người dân tộc Ba Na, quê ở làng Stơr, huyện KBang, tỉnh Gia Lai. Ông tham gia cách mạng từ năm 1935, là người gây dựng phong trào chống Pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. Ông đã vận động đồng bào dân tộc tham gia các tổ du kích, xây làng chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của quân đội Pháp, tiêu hao nhiều lực lượng địch. Sau hiệp định Genève, ông cùng đơn vị tập kết ra miền Bắc, sau đó trở về tham gia đánh Mỹ ở Tây Nguyên. Năm 1955, ông được kết nạp Đảng. Năm 1963, ông vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Năm 1964, ông đi thăm nước Cộng hòa Cu Ba theo lời mời của Chủ tịch Fidel Castro. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai – Kontum (1976), Đại biểu Quốc hội khóa VI(1976 – 1981), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI (1976 -1981). Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1955), Huy hiệu Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Ba, huân chương Chiến công hạng Nhất. Ông là nhân vật chính, nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, đã được dựng thành phim. Hình tượng của ông được xem là biểu tượng của ý chí Việt Nam anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tên ông đã được đặt cho một số tuyến đường và một số trường học ở tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, Đà Nẵng.
Phố Nguyễn Xuân Linh được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Trần Duy Hưng tại số nhà 115 đến ngã ba giao cắt đường Lê Văn Lương tại tòa nhà Golden Place. Phố có độ dài 720m, rộng 17,5m, vỉa hè mỗi bên 3,5m.
Nguyễn Xuân Linh (1909 – 1988) sinh ra trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước làng Nam Quang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông có các bí danh là Nam, Xuân, Cung, Hai.. năm 1925, ông tham gia phong trào đấu tranh của hội Phục Việt đòi thả Phan Bội Châu, rồi tham gia mít tinh, biểu tình, truy điệu Phan Chu Trinh. Ông được kết nạp Đảng lớp đầu tiên ở Nghệ Tĩnh năm 1930, hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng tích cực, nhiều lần bị địch bắt, ra tù lại hoạt động. Năm 1932, ông tham gia thành lập Khu ủy Vinh – Bến Thủy và được bầu là Bí thư Khu ủy, sau này ông là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong 2 giai đoạn: 1951- 1954 và 1959 – 1972. Trong thời gian này, ông trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đấu tranh chống Pháp và Mỹ; đề ra các kế hoạch phát triển kinh tế – văn hóa, tăng cường quốc phòng, tạo được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của Hà Tĩnh. Năm 1972, ông được bầu vào Ban thường vụ Quốc hội. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân huy chương cao quý khác. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có một con đường mang tên ông.
Lễ gắn biển phố Nguyễn Đỗ Cung
Phố Nguyễn Đỗ Cung được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Phong Sắc tại số nhà 76 đến ngã ba giao cắt phố Chùa Hà tại điểm đối diện cổng sau trường THCS Dịch Vọng. Phố dài 500m, rộng 12,5 m, vỉa hè mỗi bên 2,75m.
Nguyễn Đỗ Cung (1912- 1977) quê ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa 5 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Nguyễn Gia Trí, Trần Bình Lộc… Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đỗ Cung là một trong ba nghệ sỹ được vào Phủ Chủ tịch trực tiếp vẽ và nặn tượng Bác Hồ. Khi toàn quốc kháng chiến, ông tình nguyện tham gia đoàn quân Nam tiến. Năm 1947, ông là Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu V. Tại đây, ông đã mở nhiều lớp dạy vẽ ngắn ngày, với phương pháp đào tạo mới, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ mới. Nhiều người đã trở thành họa sỹ có tiếng tăm. Ông vẽ không nhiều nhưng mỗi tác phẩm lại là một công trình lớn, đánh dấu bước tiến dài với từng khuynh hướng hội họa. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện nghiên cứu Mỹ thuật, cũng là người có công đầu trong xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1976, ông hoàn thành bức sơn dầu “Tan ca”- một trong những tác phẩm đẹp và tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tác phẩm này đã giành giải Nhất trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976 và được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa I. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Việc có thêm 3 tuyến mới được đặt tên là niềm vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Cầu Giấy nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Qua đó, khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý và gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện đại ngày nay. UBND quận Cầu Giấy đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, các phòng, ban ngành liên quan, lãnh đạo UBND phường có tuyến phố mới được đặt tên là Trung Hòa, Yên Hòa và Dịch Vọng tăng cường công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp của ba danh nhân đến mọi tầng lớp Nhân dân; tiếp tục quan tâm chỉ đạo và vận động Nhân dân thực hiện chỉnh trang đô thị, giữ vững an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm lo cho tuyến phố ngày càng ngăn nắp, sạch đẹp, văn minh xứng đáng là tuyến đường mang tên các danh nhân đã có những công lao to lớn trong lịch sử dân tộc và sự phát triển của đất nước.
Minh Huệ
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm