Di sản – Bảo tồn

Quận Hà Đông bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Các di tích được tu bổ, tôn tạo đều thực hiện tốt việc lưu giữ hồ sơ, hầu hết các yếu tố gốc cấu thành nên di tích được bảo tồn, công tác thi công đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật theo đúng thiết kế và thỏa thuận cho phép tu bổ, tôn tạo của các cấp có thẩm quyền.

Xác định di sản văn hóa có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, cũng như phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, quận Hà Đông đã tăng cường các biện pháp quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân.

Trên địa bàn quận hiện có 142 di tích, trong đó có 92 di tích đã được xếp hạng gồm: 51 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 01 di tích đang làm thủ tục xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt), 41 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó là 16 địa điểm, công trình được UBND Thành phố công nhận là địa điểm cách mạng kháng chiến, địa điểm lưu niệm lịch sử, lưu niệm danh nhân…Toàn quận có 48 lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ; có 3 làng nghề truyền thống: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề rèn Đa Sỹ, làng nghề mộc Thượng Mạo. Trên địa bàn quận còn duy trì hoạt động 2 Câu lạc bộ Ca trù tại phường Hà Cầu và Yên Nghĩa…

Chùa Ngòi, tên hiệu là chùa Phúc Khê sở hữu vẻ đẹp khang trang, bề thế –   nơi thu hút nhiều phật tử cùng du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Ảnh minh họa

 Trong những năm qua, quận Hà Đông luôn chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn UBND các phường triển khai thực hiện tốt công tác rà soát, kiểm kê các di sản văn hóa trên địa bàn, lập danh mục theo dõi và quản lý. Đối với các di tích đã xuống cấp, UBND quận chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các phường kiểm tra, tổng hợp, xây dựng kế hoạch, xin chủ trương và thỏa thuận của các cấp có thẩm quyền để đầu tư, tu bổ và tôn tạo các di tích theo quy định. Từ năm 2012 đến nay, quận có 8 di tích được xếp hạng, gần 50 di tích xuống cấp được đầu tư, tu  bổ (trong đó có khoảng 40 công trình là di tích đã xếp hạng). Các di tích được tu bổ, tôn tạo đều thực hiện tốt việc lưu giữ hồ sơ, hầu hết các yếu tố gốc cấu thành nên di tích được bảo tồn, công tác thi công đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật theo đúng thiết kế và thỏa thuận cho phép tu bổ, tôn tạo của các cấp có thẩm quyền. Công tác bảo vệ, chống xâm hại di tích cũng được quận quan tâm, do vậy trong những năm qua đã kịp thời phát hiện, xử lý đề nghị tháo dỡ đối với các công trình xây dựng trái phép tại các di tích. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, quận hướng dẫn UBND các phường tổ chức rà soát, kiểm kê và lập danh mục các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, coi đây là một trong những di sản văn hóa quý báu cần được bảo tồn và phát huy. Với 48 lễ hội truyền thống, hàng năm quận đều có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo UBND các phường xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức lễ hội, phương án giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm phục vụ tốt nhu cầu tự do tín ngưỡng của Nhân dân. Trước, trong và sau lễ hội, quận đều thành lập các đoàn kiểm tra tại các điểm diễn ra lễ hội nhằm phát hiện, hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời đối với các vi phạm xảy ra… Năm 2020 và 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên các lễ hội không tổ chức.

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc có tuổi đời hơn 1000 năm.

Ảnh minh họa

 Quận Hà Đông cũng chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống nổi tiếng kết hợp với du lịch, đầu tư kinh phí cho công tác quảng bá, giới thiệu các làng nghề với khách du lịch trong và ngoài nước, chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch như phát triển làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề rèn Đa Sỹ, dệt the La Khê, mộc Thượng Mạo…Làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ “Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc”, các làng nghề rèn Đa Sỹ và mộc Thượng Mạo cũng được đầu tư nhằm bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống. Loại hình hát Ca trù được các địa phương và cá nhân các nghệ nhân gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau.

Thời gian tới, quận Hà Đông sẽ tăng cường chỉ đạo các phòng chuyên môn và các phường thường xuyên kiểm tra việc quản lý và sử dụng di sản văn hóa, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di sản; tích cực quảng bá loại hình du lịch di sản tâm linh, du lịch cội nguồn, du lịch trải nghiệm… trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Thảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *