Giai đoạn 2016-2020, quận Hai Bà Trưng đã tiến hành đầu tư 7 di tích, tổng số 89,223 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quận và xã hội hóa. Trong giai đoạn 2021-2025, quận dự kiến đầu tư 7 dự án tu bổ, tôn tạo di tích với tổng kinh phí trên 335 tỷ đồng…
Chiều 18/11/2022, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2022).
Tiết mục biểu diễn Chầu Văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Vương Vân
Quận Hai Bà Trưng có 51 di tích được Thành phố kiểm kê, trong đó, có 35 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 1 Di tích Quốc gia đặc biệt (cụm di tích Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng), 19 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp Thành phố). Quận có 23 địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử – cách mạng kháng chiến. Nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh của quận nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung tới bạn bè quốc tế.
Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến; Quận uỷ, HĐND, UBND quận ban hành các Nghị quyết, chương trình kế hoạch để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tập trung nguồn lực để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Đền Đồng Nhân – Di tích quốc gia đặc biệt, là điểm đến của nhiều du khách gần xa.
Xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong giai đoạn 2016-2020, quận Hai Bà Trưng đã tiến hành đầu tư 7 di tích, tổng số 89,223 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quận và xã hội hóa. Trong giai đoạn 2021-2025, quận dự kiến đầu tư 7 dự án tu bổ, tôn tạo di tích, bổ sung các hạng mục phụ trợ phát huy giá trị điểm đến từ nguồn ngân sách quận và xã hội hóa với tổng kinh phí trên 335 tỷ đồng.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững, quận Hai Bà Trưng yêu cầu các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác văn hóa, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động, tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Cùng với tăng cường công tác quản lý để hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ hội truyền thống từng bước đi vào nền nếp, thực hiện việc tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận, số hóa công tác quản lý hồ sơ tại 100% các di tích để phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Khánh Vân