HNP – Hiện nay, dân số quận Long Biên là 291.925 người. Năm 2017, tỷ suất sinh trên địa bàn quận 16,49‰, giảm 0,25‰ so với cùng kỳ năm 2016, giảm 0,22‰ so với kế hoạch giao. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên 3,06%, giảm 0,08%so với cùng kỳ, giảm 0,06% so với […]
HNP – Hiện nay, dân số quận Long Biên là 291.925 người. Năm 2017, tỷ suất sinh trên địa bàn quận 16,49‰, giảm 0,25‰ so với cùng kỳ năm 2016, giảm 0,22‰ so với kế hoạch giao. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên 3,06%, giảm 0,08%so với cùng kỳ, giảm 0,06% so với kế hoạch giao. Toàn quận có 194 tổ dân phố không có người sinh con thứ ba trở lên. Có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính quyền và sự tham gia trực tiếp của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ quận.
Năm 2017, công tác DS-KHHGĐ được quận Long Biên quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm, quận đã giao chỉ tiêu tới từng phường và kế hoạch chi tiết theo từng tháng. Đồng thời, quận đã triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng Dân số quận Long Biên giai đoạn 2016-2020” năm 2017; ký cam kết thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, không sinh con thứ ba đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại UBND quận và chỉ đạo UBND các phường ký cam kết với các hộ gia đình có nguy cơ cao vi phạm chính sách DS-KHHGĐ tại cộng đồng.
Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi được triển khai với tư duy đổi mới, lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong năm 2017, Trung tâm DS-KHHGĐ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Ban DS-KHHGĐ các phường tổ chức được 391 buổi tuyên truyền trực tiếp thu hút được 36.584 lượt người tham dự. Đài truyền thanh các phường đã duy trì lịch phát thanh định kỳ, mỗi tuần từ 2-3 lần mỗi lần phát từ 5-7 phút về các nội dung liên quan đến công tác DS-KHHGĐ, các gương người tốt, việc tốt, kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các nội dung về nâng cao chất lượng Dân số… Tổng số đã phát 1.856 lần với 9.909 phút. Đồng thời, định kỳ cung cấp thông tin về công tác DS-KHHGĐ cho việc hoạch định các chính sách trên địa bàn quận.
Ngoài ra, quận Long Biên còn tổ chức các hoạt động truyền thông cao điểm, trọng điểm như: Các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7, Ngày Dân số Việt Nam 26/12, các hoạt động kỷ niệm Tháng hành động Quốc gia về Dân số, Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh dưới các hình thức: Tuyên truyền trực tiếp, trực quan, bề nổi, văn hóa, văn nghệ… với 45 buổi, thu hút 4.189 lượt người tham dự.
Bên cạnh các hoạt động truyền thông thường xuyên, Trung tâm DS-KHHGĐ quận còn phối hợp với UBND các phường tổ chức các hoạt động truyền thông các chuyên đề về DS-KHHGĐ tại các nhà văn hóa, tổ dân phố văn hóa làm điểm của quận: truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh; truyền thông chủ đề về chăm sóc SKSS/KHHGĐ nam giới và phụ nữ trong tuổi trung niên; truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; sàng lọc khiếm thính; truyền thông cung cấp kiến thức phòng bệnh Tan máu bẩm sinh; cách phòng chống các bệnh ung thư đường sinh sản… với 36 hội nghị truyền thông, thu hút 3.062 lượt người.
Chương trình nâng cao chất lượng các dịch vụ về chăm sóc SHSS/KHHGĐ tiếp tục được triển khai tại 14 phường đạt kết quả tốt. Trong năm, đã tổ chức 17 buổi tư vấn, siêu âm miễn phí cho 694 người có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, đã phát hiện kịp thời 208 trường hợp mắc bệnh và tư vấn, chuyển tuyến điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tuyến trên; Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tổ chức tư vấn, sàng lọc khiếm thính miễn phí cho 3.189 trẻ em từ 2 đến 5 tuổi tại các trường mầm non tại phường Ngọc Lâm, Bồ Đề và Thạch Bàn. Ngoài ra, qua kênh cung cấp của đội ngũ cộng tác viên tại cơ sở, hoạt động cung ứng phương tiện tránh thai miễn phí và tiếp thị xã hội được duy trì thường xuyên, cung cấp kịp thời các phương tiện tránh thai an toàn cho nhân dân theo quy định. Đảm bảo cung cấp các phương tiện tránh thai lâm sàng kịp thời, thuận tiện cho nhân dân vào các ngày làm mẹ an toàn tại các trạm y tế phường.
Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số quận Long Biên giai đoạn 2016-2020” và Đề án “Tầm soát phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh” TP Hà Nội năm 2017, quận đã tổ chức 7 lớp tập huấn kiến thức, 127 hội nghị truyền thông về các chuyên đề thu hút 12.637 người tham dự. Tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên cho 1.205 học sinh tại các trường THPT công lập trên địa bàn; Giảng dạy lồng ghép 1.721 tiết tại các tiết học ngoại khóa cho học sinh các trường THCS cho 50.672 lượt học sinh tham dự.
Đối với các Dịch vụ thuộc Đề án: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tổ chức tư vấn và thực hiện kỹ thuật sàng lọc trước sinh cho 8.567 bà mẹ mang thai; sàng lọc sơ sinh cho 2.582 trẻ sơ sinh tại bệnh viện; Trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 14 phường cho 642 thanh niên…
Đáng chú ý, quận đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động thu thập, cập nhật thông tin và duy trì kho dữ liệu điện tử chuyên ngành. Theo đó, đã cập nhật kịp thời các thông tin vào các phần mềm chuyên ngành hàng tháng và in báo cáo từ phần mềm thay thế báo cáo thủ công chính xác, đúng tiến độ. Đến nay 99,7% các thông tin cơ bản và biến động về dân số đã được cập nhật đầy đủ vào phần mềm quản lý chuyên ngành.
Với sự nỗ lực đó, năm 2017, ngành DS-KHHGĐ quận Long Biên đã được nhận Cờ xuất sắc phong trào thi đua của Thành phố. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018, quận Long Biên đặt mục tiêu tiếp tục ổn định, kiện toàn bộ máy DS-KHHGĐ từ quận đến cơ sở; Thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con; Nâng cao chất lượng Dân số đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng.
Để thực hiện mục tiêu trên, quận sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của các Ban, ngành, đoàn thể đối với công tác DS-KHHGĐ, trọng tâm chỉ đạo các phường có nguy cơ sinh, sinh con thứ ba và mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Đồng thời, đổi mới công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến các văn bản chính sách về DS-KHHGĐ; chương trình dân số và phát triển; chú trọng tuyên truyền vận động cá biệt, xác định đúng đối tượng để vận động giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đảm bảo khai thác nguồn lực cơ sở vật chất, đầu tư kinh phí để triển khai đạt kết quả các hoạt động về DS-KHHGĐ. Xây dựng chế độ động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Ngoài ra, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện kiểm tra thường xuyên các tổ chức, đơn vị trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chính sách DS-KHHGĐ, cung ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Theo Cổng GTĐT TP