Trong 3 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn quận Long Biên luôn được quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước được đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả; qua đó, ngày càng thu hút, tập hợp, vận […]
Trong 3 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn quận Long Biên luôn được quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước được đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả; qua đó, ngày càng thu hút, tập hợp, vận động được nhiều trẻ em tích cực tham gia các hoạt động bổ ích, lành mạnh, đảm bảo môi trường sống an toàn lành mạnh cho trẻ em.
Để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả cao, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được quận Long Biên quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức nhằm hướng tới mục tiêu: Làm cho mọi người, mọi nhà cùng biết, cùng hiểu và cùng thực hiện các quyền của trẻ em. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú và đa dạng, đã góp phần vận động toàn xã hội chung tay cùng thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đáng chú ý, quận đã duy trì hiệu quả sinh hoạt CLB trẻ vị thành niên, CLB sống khỏe, sinh hoạt nhóm trẻ gia đình, tổ chức các buổi giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật, bồi dưỡng phát triển năng khiếu toàn diện cho trẻ em, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu… nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em. Nhiều hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tham gia tích cực vào các hoạt động cho trẻ em, làm tuyên truyền viên, cộng tác viên, hướng trẻ em vào các hoạt động lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.
Trong 3 năm qua, trên địa bàn quận đã tổ chức 5.650 lượt phát thanh, căng treo 1.255 pano, khẩu hiệu tuyên truyền; 25 diễn đàn trẻ em; 15.500 các ấn phẩm truyền thông được sản xuất, nhân bản; 125 lớp tập huấn, 135 cuộc truyền thông, biên tập, in và cấp phát gần 2.500 cuốn tài liệu, 35.000 tờ rơi, tờ gấp và hơn 300 cuốn Luật trẻ em cho trên 225.000 lượt người; biên tập 50 tin bài, chỉ đạo UBND các phường tổ chức phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh các phường các nội dung về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh đó, quận đã chỉ đạo lồng ghép các kiến thức quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em trong nhà trường như: Kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; kỹ năng phòng chống xâm hại/lạm dụng tình dục cho trẻ em… tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt vì trẻ em. Nhờ đó, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị xâm hại/lạm tình dục, trẻ em đi lang thang, trẻ lao động sớm, nặng nhọc độc hại… giảm dần theo các năm.
Để kịp thời hỗ trợ, chăm sóc và trợ giúp cho các em, hàng năm, quận đã tổ chức rà soát quản lý, nắm chắc số liệu về trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để kịp thời đưa ra phương án hỗ trợ, giải quyết, định kỳ báo cáo số liệu trẻ em theo quy định 6 tháng, 9 tháng, cả năm. Nhằm xây dựng, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, quận Long Biên đã triển khai thực hiện phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em và hiện 14/14 phường đạt tiêu chuẩn, trong đó, 14/14 phường đạt tiêu chuẩn phường phù hợp với trẻ em 3 năm liên tục (từ năm 2015-2017)
Đáng chú ý, trong 3 năm trở lại đây, hàng năm, quận đã dành một khoản kinh phí khá lớn cho sự nghiệp bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cụ thể, năm 2015: Nguồn ngân sách chi cho giáo dục 419,7 tỷ đồng, xây mới 12 trường học; chi cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em 1,8 tỷ (trong đó ngân sách 274,5 triệu đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa); Năm 2016: Nguồn ngân sách chi cho giáo dục 286,8 tỷ đồng, xây mới 17 trường học; chi cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em 1,4 tỷ (trong đó ngân sách 170 triệu đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa); Năm 2017: Nguồn ngân sách chi cho giáo dục 252,2 tỷ đồng, xây mới 15 trường học; chi cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em 1,37 tỷ (trong đó ngân sách 300 triệu đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa). Năm 2018: Dự kiến chi ngân sách cho giáo dục 381,6 tỷ đồng, xây mới 4 trường học; chi cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em 350 triệu đồng
Ngoài ra, để phòng ngừa, ngăn chặn hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bên cạnh việc nắm bắt các số liệu cụ thể, quận đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ can thiệp và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em, cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em đặc biệt chú trọng kỹ năng phòng, ngừa bị xâm hại/lạm dụng tình dục; kỹ năng phát hiện và tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cùng như các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em khác. Song song với đó, hàng năm, UBND Quận xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra liên ngành, trong đó, có các cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng các đối tượng thuộc đối tượng BTXH ngoài công lập, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhà hàng nơi có khả năng sử dụng trẻ em.
Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong thời gian tiếp theo, cấp ủy Đảng, chính quyền quận Long Biên sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật Trẻ em trong cán bộ, nhân dân các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt là các gia đình, cộng đồng, nhà trường và chính bản thân trẻ em; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, mọi gia đình trong việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tự tin tham gia của trẻ em vào các hoạt động của gia đình, nhà trường và xã hội.
Tăng cường vận động xã hội hóa công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tổ chức tặng quà, trao học bổng các cháu có thành tích tốt trong học tập, đặc biệt là các cháu trong hộ nghèo, các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật trẻ em, các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Nhà nước; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trẻ em.
Vương Vân
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm