Những năm qua, huyện Quốc Oai triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”, qua đó đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực trong sự phát triển toàn diện của địa phương.
Hàng năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được chú trọng. Năm 2018, có 47.527/52.488 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 90,5%; 96/96 thôn được công nhận “Thôn văn hóa”, đạt tỷ lệ 100%; 5/5 TDP được công nhận “Tổ dân phố văn hóa”, tỷ lệ 100%; 127 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ 74,7%; 16/20 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 80%. Dự kiến đến hết năm 2019, số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa” đạt tỷ lệ 95%; số thôn được công nhận “Thôn văn hóa” đạt tỷ lệ 100%; số TDP được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” đạt tỷ lệ 100%; cơ quan, đơn vị chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ 76,4%. Đến nay, 100% các thôn có điểm sinh hoạt văn hóa, được đầu tư trang thiết bị phục vụ sinh hoạt. 100/101 thôn, TDP có nhà văn hóa; xây dựng mới và cải tạo 18 nhà văn hóa.
Văn hóa Cồng chiêng dân tộc Mường.
Quốc Oai quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Từ năm 2010 đến nay, đã đầu tư tu bổ, tôn tạo 66 di tích với tổng kinh phí 402 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhà nước 264 tỷ đồng, xã hội hóa 138 tỷ đồng. Bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể: hát Tuồng thôn Dương Cốc; hát Chèo xã Đại Thành; hát Dô xã Liệp Tuyết; Múa rối nước xã Sài Sơn; cồng chiêng dân tộc Mường 2 xã Đông Xuân và Phú Mãn. Lập dự án quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT được Trung tâm VHTTTT huyện thực hiện vượt về số lượng và chất lượng. Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 103,3%, số Gia đình thể thao đạt 100%… Tiếp tục duy trì, phát triển phong trào TDTT quần chúng. Cùng với đó phát huy một số môn thể thao thành tích cao là thế mạnh của huyện như Điền kinh, Vật…
Trong lĩnh vực giáo dục, UBND huyện đầu tư cơ sở vật chất trong các nhà trường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa. 100% các trường đã có ít nhất từ 6 máy tính trở lên, máy chiếu đa năng, đường truyền Internet tốc độ cao phục vụ quản lý, giảng dạy. Đến nay, toàn huyện có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67.1% (10 trường Mầm non; 19 trường Tiểu học; 20 trường THCS).
Quốc Oai đạt nhiều thành tựu trong phát triển giáo dục.
Về đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo với tổng kinh phí 18,213 tỷ đồng Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận mới trên toàn huyện hiện còn 0,48%. Các chính sách xã hội với người có công, gia đình người có công được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công với 90.074 suất quà, tổng kinh phí 31,186 tỷ đồng. Công tác cấp thẻ BHYT cho người có công đã hoàn thành 100%.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện Quốc Oai đã thực hiện cơ chế chính sách về đào tạo, đãi ngộ, hỗ trợ việc làm cho người lao động. Đã tổ chức được 187 lớp đào tạo nghề cho 6.526 người. Cùng với đó, đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận với thông tin thị trường lao động. Trong 4 năm qua, toàn huyện đã tạo được 8.900 việc làm mới cho người lao động ,góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động trên địa bàn huyện.
Đối với nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, huyện tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến, dần hình thành nếp sống mới. 100% số đám cưới thực hiện theo đúng quy định về Luật hôn nhân và gia đình. Tỷ lệ thực hiện hỏa táng người quá cố đạt trên 40%. Huyện đã chỉ đạo và hướng dẫn 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tổ chức giảng dạy về giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội cho học sinh. Cùng với đó, “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” đã được triển khai rộng rãi. UBND các xã, thị trấn thực hiện niêm yết Quy tắc ứng xử tại các trường học, nhà văn hóa, điểm Bưu điện văn hóa, Trạm y tế trên địa bàn. Tổng cộng đã phát ra 18000 bản cỡ nhỏ và 1000 bản cỡ lớn 02 Bộ Quy tắc ứng xử.
Trong giai đoạn tiếp theo, huyện Quốc Oai sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 33-KH/HU của Huyện ủy, phấn đấu hoàn thành một số mục tiêu trọng tâm đề ra như: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo có đủ thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở, phấn đấu 50% số xã, thị trấn có nhà văn hóa và khu thể thao, 100% thôn, TDP có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn; Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt từ 70 – 75%; Triển khai sâu rộng việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn các hoạt động với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người tốt – Việc tốt” và xây dựng Nông thôn mới.
Minh Trang
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm