Nhân dịp tròn một năm “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, cuốn sách Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực, do Thạc sĩ Trần Quang Dũng – Phó […]
Nhân dịp tròn một năm “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, cuốn sách Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực, do Thạc sĩ Trần Quang Dũng – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội chủ biên, đã được chính thức được phát hành trên toàn quốc.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực là một ấn phẩm đặc biệt, bởi mặc dù ra đời sau rất nhiều cuốn sách khác viết về Tín ngưỡng, nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên có một cuốn sách được kết tinh từ tâm huyết, trí tuệ của một nhóm tác giả gồm nhiều nhà nghiên cứu, nhiều đồng đền, thanh đồng, cung văn nổi tiếng. Trong số họ, có những người đã dành cả cuộc đời “nhất tâm phụng sự Tiên Thánh”, với mong mỏi duy nhất là góp phần bảo tồn, trao truyền và phát huy những giá trị văn hóa Tín ngưỡng cho các thế hệ kế tục.
Với nội dung được cấu trúc rõ ràng, luận giải khá tường minh về hệ thống thần điện – các vị thánh trong Tín ngưỡng, kèm chỉ dẫn chi tiết về các đền, phủ quan trọng cũng như thông tin cơ bản về các nghi lễ thực hành Tín ngưỡng vốn đang có nhiều biểu hiện bị mai một hoặc bị biến dạng, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực là cuốn sách thực sự cần thiết đối với những ai đã, đang và sẽ quan tâm, tìm hiểu về Tín ngưỡng, cũng như đối với các đệ tử Tín ngưỡng.
Sách được chia làm 3 phần chính: Chốn linh thiêng, Thiêng nơi cõi thực và Về nơi cửa Thánh.
Chốn linh thiêng giới thiệu về thần điện của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, về các lớp tín ngưỡng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, như Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, thờ Tứ vị Hồng Nương, thờ các vị Chúa Bà.
Thiêng nơi cõi thực là những chia sẻ của các đồng đền, thanh đồng, cung văn nổi tiếng về những nghi lễ đặc sắc trong thực hành Tín ngưỡng, trong đó, có thể tìm thấy rất nhiều chỉ dẫn cụ thể, từ nghi lễ đội bát nhang, tôn nhang bản mệnh, đến khăn áo, hoa man tài mã và lễ vật cúng tiến trong hầu đồng…
Về nơi cửa Thánh: Phần này không chỉ cung cấp thông tin cơ bản về các đền, phủ quan trọng, như địa chỉ, số điện thoại, lễ hội/ ngày tiệc để bạn đọc dễ tìm hiểu, tra cứu, mà còn ghi lại các tuổi đội bát nhang, bài văn khấn nôm để kêu cầu khi đi lễ ở các đền, điện, phủ của Tín ngưỡng.
Ngoài ra, cuốn sách còn có gần 100 bức ảnh màu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng, ghi lại những khoảnh khắc chân thực và sinh động của việc thực hành Tín ngưỡng.
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu (Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO) thì cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực tiếp cận di sản chân thực, nêu bật vẻ đẹp và giá trị tâm linh chân chính của Tín ngưỡng. Hy vọng rằng, qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ từng bước nhận diện, tôn vinh và góp phần vào việc bảo vệ các giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu – một di sản văn hóa phi vật thể không chỉ của Quốc gia, mà còn là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.”
Cuốn sách do Thạc sĩ Trần Quang Dũng (Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội) chủ biên với sự tham gia của Thạc sĩ, nhà báo Lê Khánh Ly; Đồng đền Lưu Ngọc Đức (trụ trì Lảnh Giang Vọng Từ, Đông Hương Linh Từ, Thủy Trung Tiên Từ); Đồng đền Nguyễn Tất Kim Hùng (trụ trì Nguyên Khiết Linh Từ); Thanh đồng Lê Bá Linh (thủ nhang Nguyên Khiết Linh Từ); Đồng đền Trần Văn Hải (trụ trì Bát Hải Vọng Từ, Bồng Lai Linh Từ); cố Nghệ nhân dân gian Chu Đức Duyệt (nguyên Cung văn trưởng Nguyên Khiết Linh Từ).
Sách dày 151 trang do NXB Nhã Nam xuất bản, chính thức ‘lên kệ’ từ 28/11.
Gia Linh
Theo MaskOnline