Hiện rối nước Đào Thục có hơn 30 tích trò độc đáo. Nhờ sự độc đáo, hấp dẫn của một làng rối cổ lâu đời mà rối nước Đào Thục luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về đây xem rối và tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước cổ truyền của địa phương.
Theo Quyết định Số: 473/QĐ-BVHTTDL, ngày 06 tháng 3 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh,Hà Nội) đã được ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng Đào Thục là một ngôi làng cổ. Trên văn bia đình làng Đào Thục có ghi lại rằng nghề múa rối nước ở làng có từ thời Hậu Lê, do ông Nguyễn Đăng Vinh (còn có tên khác là Đào Đăng Khiêm, người con quê hương) tiếp thu, chắt lọc từ các phường rối trong cả nước đem về truyền dạy cho nhân dân địa phương. Mấy trăm năm qua, những con rối luôn gắn bó với người dân Đào Thục. Khác với những làng rối khác ở Việt Nam, người Đào Thục tự tay làm rối, rồi đem rối ra biểu diễn và thổi vào đó những ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quốc thái, dân an của người nông dân.
Rối nước Đào Thục
Hiện rối nước Đào Thục có hơn 30 tích trò độc đáo, tiêu biểu như: An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Phùng Hưng đánh Hổ , Đốt pháo phất cờ, Ba Khí giáo trò, Cáo bắt vịt, Hà Nội chiến thắng B52…Nhờ sự độc đáo, hấp dẫn của một làng rối cổ lâu đời mà rối nước Đào Thục luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về đây xem rối và tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước cổ truyền của địa phương.
Rối nước Đào Thục luôn thu hút giới trẻ ở địa phương
Ở Đào Thục, điều đáng quý là thế hệ trẻ trong làng rất nhiệt huyết, đam mê với những con rối của quê hương. Các em luôn chăm chú học tập nghề múa rối và làm con rối do các nghệ nhân đi trước truyền dạy. Vì vậy lớp trước truyền cho lớp sau khiến rối nước Đào Thục luôn được giữ gìn, trân trọng, và phát huy vốn văn hóa truyền thống của địa phương.
Thanh Quy
Bottom of Form