Là đơn vi nghệ thuật rối duy nhất của phía Nam tham dự Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ V – Hà Nội 2018, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả Thủ đô. Đặc biệt là vở rối “Sông nước Phương Nam” của Nhà hát giành giải thưởng chương trình ấn tượng của Liên hoan.
Vở rối nước Sông nước Phương Nam lấy ý tưởng từ những trò rối nước dân gian Nam bộ, hòa trong tiếng nhạc Nam bộ, những bài lý, dân ca, hò vè của người miền Nam. Đó là những nét văn hóa đặc sắc, lao động sinh hoạt đời thường dân dã nơi thôn quê mang đậm chất Nam bộ được đưa lên sân khấu Rối nước qua lời kể của anh Hai Lúa…
Mở đầu vở rối Sông nước Phương Nam là hình ảnh Chợ nổi trên sông khiến khán giả mãn nhãn với hình ảnh sông nước Nam bộ dọc ngang kênh rạch. Và trên những dòng sông, con rạch đó, những chiếc ghe, xuồng chở đầy trái cây ngược xuôi tấp nập. Người dân Nam bộ giao thương, buôn bán trên sông và chợ nổi trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất phương Nam. Điều thú vị hơn cả là qua bàn tay tài hoa của người thợ tạo hình con rối kết hợp với sự khéo léo của người nghệ sĩ điều khiển, những chiếc ghe, xuồng chở đầy trái cây dập dìu xuôi ngược trên mặt nước một cách thuần thục. Và những con rối dường như có hồn đó được thể hiện trên nền âm nhạc phương Nam đậm chất trữ tình đã mang đến cho người xem một không gian chợ nổi Nam bộ sống động và đầy lôi cuốn.
Tiếp ngay sau không gian chợ nổi, vở rối đưa người xem đến với Mùa len trâu. Nam bộ mỗi năm mùa lũ đến, nước ngập tràn khắp vùng, cây cỏ chết hết, lũ trâu không có thức ăn và mùa len trâu lại đến. Mùa len trâu chính là cách gọi mà người dân Nam bộ thường dùng để nói về việc đưa lũ trâu đi kiếm cỏ sống qua mùa lũ. Đó là hành trình vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên để đi tìm nguồn sống… Xuất hiện trên sân khấu rối nước là hình ảnh của chàng trai trẻ lực điền cùng cây sáo lăn lộn trên mặt nước, lúc trên lưng trâu, lúc thổi sáo thong dong, còn lũ trâu lúc ngoi lên, lúc lại ngụp lặn, thậm chí có lúc còn rượt đuổi nhau… đã mang đến cho khán giả những hình ảnh khó quên.
Ấn tượng nhất có lẽ là màn trình diễn Sen Tháp Mười. Trên mặt nước mênh mông, hình ảnh những thảm sen dập dìu, lung linh trên mặt sóng nước gợi mở cho người xem về những cánh đồng hoa sen bát ngát, mênh mông của vùng Đồng Tháp Mười. Và giữa những bông hoa sen khi nở ra là hình ảnh những người con gái Việt Nam dịu dàng, đằm thắm và e ấp theo điệu nhạc.
Tiếp đó là hình ảnh Tràm Chim, nơi sinh sống của nhiều loài chim quý hiếm mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Nam bộ. Ở màn trình diễn này, người nghệ sĩ rối đã khéo léo trong việc điều khiển con rối để thể hiện hình ảnh, cuộc sống của những đàn cò trắng sải cánh trên vùng nước mênh mông. Những chú cò trắng lúc bay lượn trên cao, lúc ngụp lặn kiếm ăn, lúc lại cùng nhau hòa nhịp trong những vũ điệu nhịp nhàng và uyển chuyển trên mặt nước.
Kết thúc chương trình là màn Múa mâm vàng, một điệu múa cổ của Nam bộ. Múa mâm vàng là một trong những điệu múa nằm trong nghi lễ cúng bà ở vùng đất phương Nam. Trong tiếng nhạc của những bài lý, bài dân ca Nam bộ, những cô gái hai tay đỡ mâm cùng hòa theo điệu múa, nhịp nhàng , đều đặn và có sức cuốn hút đặc biệt đối với người xem.
Vở diễn Sông nước Phương Nam của tác giả Hoàng Nhạc và được đạo diễn bởi NSND Nguyễn Tiến Dũng; họa sĩ tạo hình, thiết kế mỹ thuật sân khấu: Ngô Thắng – NSƯT Thế Khiển; Âm nhạc: NSƯT Đinh Linh; Biên đạo múa: Minh Nhật cùng sự tham gia thể hiện nghệ sĩ Đoàn Múa rối Rồng Phương Nam – Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam như: Ngọc Hải, Thanh Phương, Thùy Trang, Nguyệt Minh, Trọng Nguyễn, Đào Nhung, Văn Được, Trung Hiếu…
Vở rối nước Sông nước Phương Nam đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả Thủ đô Hà Nội và thực sự xứng đáng với giải thưởng Chương trình ấn tượng của Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ V- Hà Nội 2018.
Nhật Linh
Theo MaskOnline