Điện ảnh

“Ròm” và câu chuyện đằng sau đề tài số đề

Đạo diễn Trần Thanh Huy đã chia sẻ lý do chọn đề tài gần gũi nhưng mới lạ của phim Việt mang về giải cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019.

Ròm – nhân vật chính cùng tên của bộ phim là một cậu bé làm nghề bán giấy dò số đề

Tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 – một trong những liên hoan phim quốc tế lớn nhất châu Á, Ròm đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn và khán giả nước ngoài. Sau hành trình chu du quốc tế và giành được giải thưởng cao nhất, Ròm chuẩn bị trở về Việt Nam để gặp gỡ các khán giả đã chờ mong bộ phim từ lâu.

Tác phẩm của đạo diễn Trần Thanh Huy chiếm được cảm tình của hội đồng chuyên môn và báo chí quốc tế khai thác đề tài vô cùng gần gũi với đời sống Việt nhưng còn xa lạ với màn ảnh – Số đề. Ròm là câu chuyện xoay quanh người lao động nghèo và trẻ em đường phố – các thân phận bấu víu vào ước mơ đổi đời nhờ trò số đề may rủi. Những trò đỏ đen vốn thân thuộc với tầng lớp lao động nghèo ở Việt Nam nhưng chưa từng trở thành đề tài chính cho một tác phẩm điện ảnh.

Số đề và người dân lao động nghèo là những điều rất gần gũi với tuổi thơ của đạo diễn Trần Thanh Huy

Chia sẻ về quyết định lựa chọn câu chuyện số đề cho tác phẩm đầu tay của mình, đạo diễn Trần Thanh Huy tâm sự: “Tôi được sinh ra trong một gia đình lao động. Ba làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán và tôi được sống gần gũi với những đứa trẻ bụi đời, những đứa trẻ đường phố. Tôi lang thang đi chơi với họ rất lâu nên phần nào hiểu được đời sống của họ. Câu chuyện về số đề và những đứa trẻ như Ròm xuất phát từ một phần tuổi thơ của tôi”. Ý tưởng về đề tài này được Trần Thanh Huy nuôi dưỡng từ phim ngắn tốt nghiệp mang tên 16:30, từng được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 2013 và tiếp tục đeo đuổi đạo diễn trẻ tới phim dài đầu tay. Một đề tài gần gũi, đặc biệt và rất đậm chất Sài Gòn đã thôi thúc Trần Thanh Huy trong nhiều năm, cho tới khi Ròm ra đời.

Số đề là một phần của đời sống người dân lao động Việt Nam, tôi muốn làm phim dựa vào những điều gần gũi với mình nhất. Đa số người lao động nghèo đều biết tới trò may rủi này. Để có được những con số đánh đề, họ tin vào những điều vô cùng phi lý. Những con số có thể đến từ con vật, sự kiện, giấc mơ hoặc thậm chí có người còn đi cầu cơ để xin số đánh đề. Thực tế, trò chơi số đề đã ngấm vào máu của nhiều người dân Việt Nam, có người xem nó là một trò mua vui, nhưng cũng có những bộ phận đặt cược cả gia tài vào cuộc chơi may rủi này” – Trần Thanh Huy chia sẻ thêm.

Những đứa trẻ trong Ròm là những thiếu niên đường phố, tuy không có cuộc sống đủ đầy nhưng không hề nguội tắt ước mơ. Dù đối mặt với hiện thực tàn khốc, song vẫn có những đứa trẻ gắng hết sức để biến điều mình mong muốn thành sự thật. Giống như nhân vật chính Ròm, cố gắng chạy thật nhanh về phía trước để chạm được ước mơ của mình.

Mất 8 năm để hoàn thành, Ròm đã trải qua một hành trình đi từ trải nghiệm tuổi thơ đến đỉnh cao vinh danh tại nước ngoài, để rồi lại trở về với quê nhà. Hồi hộp chờ ngày bộ phim ra rạp, đạo diễn Trần Thanh Huy đã xúc động tâm sự rằng: “Câu chuyện cổ tích của Ròm tôi và ekip đã viết xong”. Đối với Trần Thanh Huy, việc đưa được Ròm đến với khán giả quê nhà chính là mảnh ghép cuối trong bức tranh thực hiện ước mơ tuổi trẻ của mình. Đồng thời, Trần Thanh Huy cũng hy vọng rằng qua Ròm, anh có thể góp một giọng kể câu chuyện về những đứa trẻ đường phố đầy khát khao chạm đến ước mơ.

Ròm dự kiến khởi chiếu tại Hà Nội và trên toàn quốc từ ngày 31/7.

Hồng Ngân

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *