Trong 3 ngày (22-24/2/2024 tức 13-15 tháng Giêng năm Giáp Thìn), xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất tổ chức Lễ hội chùa Cao Xuân Giáp Thìn 2024.
Chùa Cao được xây dựng thời nhà Lý, đã trải qua nhiều lần sửa chữa. Năm 2022, chùa Cao được thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất đầu tư tu bổ, tôn tạo. Chùa hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2024.
Lễ rước kiệu. Ảnh tư liệu
Chùa Cao thờ Phật theo trường phái Bắc Tông Đại Thừa, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo uy tín của người dân địa phương và phật tử gần xa. Chùa Cao còn là địa điểm ghi lại dấu ấn cách mạng của xã Hạ Bằng. Ngày 25/8/1945, tại Chùa Cao diễn ra cuộc mít tinh sáp nhập hai xã Hạ Lôi và Bằng Trù thành xã Hạ Bằng, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời, nay là UBND xã Hạ Bằng. Năm 1946, chùa Cao trở thành địa điểm đặt Bệnh viện cứu chữa thương binh của Trung đoàn Thủ đô. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, chùa Cao được xếp hạng di tích cấp Tỉnh (năm 1998).
Hội Vật truyền thống chùa Cao – nét đẹp văn hóa luôn được giữ gìn
Trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi cho Lễ hội
Lễ hội chùa Cao Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, trang trọng, tiết kiệm. Phần lễ gồm màn trống hội rộn rã và nghi thức dâng hương trang nghiêm, thành kính. Phần hội với các trò chơi dân gian vui nhộn như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt…; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao sôi nổi, hào hứng. Đặc biệt, trong những ngày Lễ hội đã diễn ra Hội Vật truyền thống chùa Cao, xã Hạ Bằng, thu hút nhiều đô vật tham dự. Những đô vật lên sới thi đấu với niềm tự hào về một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, với khát vọng rèn luyện, học tập để xây dựng quê hương.
Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội đã phát huy năng lực sáng tạo, phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần của người dân địa phương; giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ để xứng danh “Hạ Bằng quật khởi”./.
Mai Chi